Eximbank bất ngờ triệu tập ĐHĐCĐ năm 2020 với điểm nóng nhân sự

01/11/2019 09:16 GMT+7
Sau hai lần tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 bất thành, Eximbank bất ngờ công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Dự kiến, nhân sự tiếp tục là “điểm nóng” tại đại hội lần này. Bộ máy thiếu ổn định, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ.

Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) của ông Cao Xuân Ninh vừa thông qua Nghị quyết số 574 ngày 30/10/2019 liên quan đến lộ trình tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 (lần thứ 36).

Lợi nhuận đi lùi, Eximbank của ông Cao Xuân Ninh “bất ngờ” triệu tập ĐHĐCĐ năm 2020 - Ảnh 1.

Lộ trình tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 (lần thứ 36) của Eximbank

Cụ thể, HĐQT thống nhất chốt sanh sách cổ đông ngày 22/11/2019 tới đây để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiện được bầu làm thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng thời, HĐQT Eximbank thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 10/3/2020 để cổ đông thực hiện Quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Eximbank sẽ gửi thông báo chi tiết cho cổ đông có tên trong danh sách chốt về việc ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Sau đó, Eximbank trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự được bầu này trước khi tiến hành bầu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020.

Tại ĐHĐCĐ lần này, Eximbank sẽ tiếp tục đề cập tới các nội dung đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nhưng chưa được thông qua. Bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm sóa nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Đây là những động thái khá bất ngờ của Eximbank kể từ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 bất thành sau 2 lần tổ chức.

Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ nhất vào ngày 26/4 thất bại do không đủ số lượng cổ đông tham dự. Sau đó gần 2 tháng, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ hai của Eximbank đủ điều kiện tổ chức với số cổ đông tham dự sở hữu gần 94% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại đại hội này, các cổ đông tranh luận nảy lửa về tư cách của chủ tọa điều hành đại hội của ông Cao Xuân Ninh - Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Vinh - quyền Tổng giám đốc Eximbank và ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng ban kiểm soát Eximbank. Kết quả, các nội dung dự kiến trình cổ đông tại đại hội đồng năm 2019 đã không được thông qua.

Ngay nội dung số 1 về việc thông qua quy chế tiến hành họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Eximbank, Ban kiểm phiếu và Tổ giám sát kiểm phiếu cũng chỉ có 39,85% số lượng cổ đông đồng ý, còn 55,09% đại diện cho 636.823.555 cổ phiếu không đồng ý. Vì tỷ lệ đồng ý không đủ 50% nên Đại hội tiếp tục hoãn.

Lợi nhuận đi lùi, Eximbank của ông Cao Xuân Ninh “bất ngờ” triệu tập ĐHĐCĐ năm 2020 - Ảnh 3.

Ban chủ tọa Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Eximbank.

Được biết, vào đầu tháng 7, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước VN đã có công văn yêu cầu Chủ tịch và các thành viên HĐQT, trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát thực hiện việc tổ chức đại hội đồng cổ đông.

Đồng thời đề nghị ĐHĐCĐ thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của đại hội theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đảm bảo hoạt động của Eximbank ổn định, an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

Sau hơn 2 tháng Eximbank không có dấu hiệu gì là tổ chức đại hội đồng cổ đông, cổ đông lớn nước ngoài của Eximbank là Sumitomo Mitsu Banking Corproration (SMBC) đã có công văn yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường để xem xét một số vấn đề. Thế nhưng đến nay Eximbank vẫn chưa "có hồi kết" .

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2019 của ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố, lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 3.225 tỷ, giảm 2,61% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập góp vốn cổ phần giảm mạnh 99% xuống còn 4 tỷ. Cùng kỳ năm ngoái, Eximbank đã ghi nhận khoản thu đột biến hơn 520 tỷ từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động sụt giảm, chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2% lên 2.023 tỷ. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 17,5%, chỉ đạt 1.202 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngay cả khi đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 99,5 tỷ, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank vẫn tăng trưởng âm gần 3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo Eximbank, nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản thu nhập từ thoái vốn khỏi Sacombank năm 2018 thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng tăng 78,61% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận đi lùi, Eximbank của ông Cao Xuân Ninh “bất ngờ” triệu tập ĐHĐCĐ năm 2020 - Ảnh 5.

Eximbank "đi lùi" lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2019

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 158.596 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 107.432 tỷ đồng, tăng 3,3%, thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng.

Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 13,3% đạt 134.467 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu nguồn vốn huy động có thể thấy, trong 9 tháng qua, nguồn huy động từ các tổ chức tín dụng khác đã giảm tới 71% (tương đương 11.420 tỷ đồng); ngược lại, tiền gửi khách hàng tăng 13% (tương đương 15.774 tỷ đồng). Kéo theo đó là chi phí vốn của ngân hàng này tăng mạnh, tới 25% (trong đó chi phí trả lãi tiền gửi tăng 26%). 

 Liên quan đến Eximbank, trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục