G7 ủng hộ đề xuất thuế "mang tính lịch sử" của chính quyền Biden
Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak tuyên bố trong một video hôm 5/6: “Sau nhiều năm thảo luận, các Bộ trưởng Tài chính G7 hiện đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu trong nỗ lực thích nghi với thời đại kỹ thuật số toàn cầu, và quan trọng hơn là để đảm bảo rằng cơ chế thuế này đủ công bằng để các doanh nghiệp trả thuế đúng mức quy định”.
Nếu được hoàn tất, biểu thuế doanh nghiệp tối thiểu chung sẽ là bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thuế toàn cầu. Các thành viên G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ sẽ triệu tập hội nghị thượng đỉnh tại Cornwall, Vương quốc Anh vào tuần tới để thảo luận thêm về vấn đề.
Một thỏa thuận giữa nhóm này sẽ tạo động lực cần thiết cho các cuộc đàm phán sắp tới được lên kế hoạch với 135 quốc gia tại Paris. Các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 cũng dự kiến sẽ có cuộc thảo luận tại Venice vào tháng 7 tới.
“Chúng tôi cam kết sẽ đạt tới một giải pháp công bằng trong việc phân bổ việc đánh thuế.. Chúng tôi cũng sẽ phân phối sự phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các quy tắc thuế doanh nghiệp quốc tế mới và việc loại bỏ các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số hoặc các biện pháp tương tự có liên quan” - tuyên bố chung của nhóm G7 cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người đang có mặt tại London trong cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các Bộ trưởng Tài chính nhóm G7 cho hay động thái này là một bước tiến quan trọng chưa từng có. “Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt cuộc đua hạ thuế doanh nghiệp giữa các quốc gia, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động Mỹ cũng như trên toàn thế giới”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 21% nhằm ngăn chặn các quốc gia hạ thuế doanh nghiệp để thu hút dòng vốn đầu tư chảy vào. Tuy nhiên, sau hàng loạt vòng đàm phán đầy thách thức, các nước G7 đã đạt được một thỏa hiệp với mức thuế 15%.
Một thỏa thuận toàn cầu trong lĩnh vực này sẽ là tin tốt cho các quốc gia vốn đang ghi nhận thâm hụt ngân sách kỷ lục, trong nỗ lực tăng thu ngân sách để xây dựng lại nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng đồng tình với ý tưởng của chính quyền ông Biden. Chẳng hạn, Vương quốc Anh đã không ngay lập tức lên tiếng ủng hộ đề xuất này. Vấn đề cũng được dự báo sẽ gây tranh cãi ở liên minh châu Âu, nơi các quốc gia thành viên hiện áp đặt mức thuế doanh nghiệp khác nhau. Chẳng hạn, thuế suất doanh nghiệp ở Ireland là 12,5% trong khi thuế doanh nghiệp ở Pháp có thể cao tới 31%.
Phát biểu vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết các quốc gia nhỏ hơn nên được phép áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để đạt được lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, do họ không có năng lực cạnh tranh về quy mô so với các nền kinh tế lớn hơn.
Các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã có những mâu thuẫn về thuế trong một thời gian dài, đặc biệt là khi châu Âu có kế hoạch đánh thuế kỹ thuật số các gã khổng lồ công nghệ.
Mỹ, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, phản đối kịch liệt các sáng kiến thuế kỹ thuật số và đe dọa áp đặt thuế quan thương mại trả đũa với những quốc gia có kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Pháp - quốc gia đã áp thuế kỹ thuật số từ năm ngoái.