APEC thảo luận dỡ bỏ thuế quan vắc xin Covid-19

06/06/2021 13:08 GMT+7
Các quan chức cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC đang thảo luận xoay quanh đề xuất của New Zealand về việc dỡ bỏ thuế quan với vắc xin Covid-19 và các chế phẩm y tế liên quan.

Trong một động thái kỳ vọng giảm bớt độ trễ trong việc cung ứng vắc xin Covid-19, nước chủ nhà hội nghị APEC đã đề xuất 21 thành viên trong nhóm nhất trí thông qua một quy ước về việc vận chuyển vắc xin và các sản phẩm, chế phẩm y tế liên quan qua biên giới, theo nguồn tin từ Reuters.

New Zealand cho rằng các nước APEC cần có một thỏa thuận như một minh chứng rằng nhóm này có khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch chung đang càn quét toàn cầu.

Mức thuế trung bình của APEC đối với vắc xin Covid-19 hiện ở mức thấp khoảng 0,8%. Tuy nhiên, các mặt hàng khác quan trọng trong chuỗi cung ứng vắc xin phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Chẳng hạn, các thiết bị đông lạnh, cồn, vật liệu đóng gói và bảo quản vắc xin, lọ và nút cao su.. đều phải chịu mức thuế trung bình trên 5%. Thuế nhập khẩu trong một số trường hợp có thể lên tới 30% ở một số nền kinh tế thuộc APEC.

APEC thảo luận dỡ bỏ thuế quan vắc xin Covid-19 - Ảnh 1.

APEC thảo luận dỡ bỏ thuế quan vắc xin Covid-19

Các quan chức cấp cao APEC đã tham gia thảo luận từ 18/5, và phiên thảo luận cuối cùng sẽ diễn ra tới đây trước khi một tuyên bố chung được đưa ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho hay đề xuất của New Zealand là quá tham vọng và rất khó để dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan với các mặt hàng liên quan đến vắc xin như vậy.

Các cuộc họp APEC trong những năm gần đây đã gặp khó khăn trong việc đạt được các thỏa thuận do căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc được thổi bùng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù Tân Tổng thống Joe Biden hứa hẹn một cách tiếp cận đa phương hơn trong vấn đề Trung Quốc, nhưng quan điểm cốt lõi mà Washington theo đuổi hiện tại vẫn là cứng rắn với Bắc Kinh.

Các bộ trưởng APEC cũng dự kiến sẽ thảo luận về việc ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19, một vấn đề hiện đang được đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ấn Độ và Nam Phi đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy việc từ bỏ này. Phía Mỹ, trong một sự đảo ngược quan điểm bất ngờ vào tháng 5, cũng ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, gây áp lực lên các đồng minh như Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ.

Dữ liệu đăng tải trên tờ CNBC dựa trên tổng hợp của trang web thống kê Our World in Data tính đến ngày 1/6 cho thấy trong khi Mỹ và châu Âu đang triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin với một tốc độ đáng kinh ngạc, khu vực châu Á Thái Bình Dương lại tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Các quốc gia châu Á Thái Bình Dương chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng khoảng 23,8 liều vắc xin trên mỗi 100 người dân. Con số này thấp hơn nhiều so với mức khoảng 61,4 liều trên 100 người của Bắc Mỹ và 48,5 liều trên 100 người ở châu Âu. Châu Phi hiện là khu vực có tốc độ tiêm chủng chậm nhất với chỉ 2,5 liều trên mỗi 100 người dân.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Pháp Natixis đã theo dõi nguồn cung cấp vắc xin và tiến độ tiêm chủng trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Họ cho biết trong một ghi chú vào tháng trước rằng thiếu hụt nguồn cung là yếu tố chính khiến khu vực này có tiến độ tiêm chủng chậm như vậy. Chẳng hạn Indonesia và Thái Lan là hai trong số nhiều quốc gia hiện chưa đạt được liều lượng vắc xin cần thiết để tiêm chủng hàng loạt.


NTTD
Cùng chuyên mục