Gạo Việt có thể xuất khẩu sang EU với thuế 0% trong thời gian tới

16/04/2020 15:17 GMT+7
Theo tin từ Bộ Công Thương, nằm trong các hoạt động hướng tới việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), cơ quan này đang đàm phán với EU để các mặt hàng gạo Việt được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu vào thị trường này.

Cụ thể, theo đại diện Bộ Công Thương cho hay, cơ quan này đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cùng với đó, vào ngày 14/2/2020, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.

"Đối với các văn bản pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cụ thể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa để thực thi EVFTA, Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo từ tháng 12 năm 2019, hiện đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến và sẽ bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.

Liên quan đến việc chuẩn bị thực thi của phía EU, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan cho các loại gạo của Việt Nam có trong danh mục được hưởng hạn ngạch với thuế suất trong hạn ngạch là 0% khi xuất khẩu sang EU", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Gạo Việt có thể xuất khẩu EU thuế xuất 0% trong thời gian tới - Ảnh 1.

Giá trị hạt gạo Việt có thể gia tăng khi được hưởng mức thuế xuất 0% trong thời gian tới

Theo giới chuyên môn nhận định, đây là một tín hiệu đáng mừng trong khi đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều khiến dư luận và các doanh nghiệp lo lắng là trong thời gian qua, liên quan vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, các Bộ ngành thể hiện sự thiếu phối hợp, thiếu thông tin khiến nhiều DN lao đao, đứng trước bờ vực phá sản.

Cụ thể, trong văn bản mới đây, Bộ Tài chính đánh giá phương án điều hành của Bộ Công Thương là chưa phù hợp, có thể khiến DN xuất khẩu bị động.

"Với phương án điều hành được nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí có thể phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng gạo được xuất khẩu", Bộ Tài chính cho hay.

Ngoài ra, cũng theo văn bản nêu trên, Bộ Tài chính đánh giá, Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, DN xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

"Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", trích văn bản của Bộ Tài chính.

Sau đó, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Bộ Tài Chính "công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020".

Cũng theo văn bản trên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cho ý kiến về việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không?

Trả lời vấn đề trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị, tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỉ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Tuy Bộ NN&PTNT đề xuất tiếp tục xuất khẩu, tuy nhiên, hiện tại, hạn ngạch xuất khẩu (400.000 tấn trong tháng 4) đã hết, trong đó, phát sinh nhiều nghi vấn khi hệ thống đăng ký trực tuyến mở ra lúc nửa đêm gây tình trạng các DN không kịp trở tay.

Việc mập mở, uẩn khúc trong hoạt động đăng ký khai báo hải quan cũng như hoạt động "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của các cơ quan chức năng khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản do bị hủy đơn hàng, mất uy tín với đối tác.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục