GDP quý II của Trung Quốc tăng 7,3%, nền kinh tế phục hồi yếu

13/07/2023 19:10 GMT+7
GDP của Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 7,3% trong quý II so với cùng kỳ, tuy nhiên một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các động lực thúc đẩy nền kinh tế của nước này đang có dấu hiệu chững lại, làm gia tăng dự báo Bắc Kinh sẽ sớm tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn.

Tổng sản phẩm quốc nội của nước này tăng 4,5% trong quý đầu tiên, mạnh hơn dự kiến do nhu cầu bị dồn nén sau 3 năm bị kiềm chế bởi Covid, nhưng các động lực đã giảm dần kể từ tháng 4/2023 do nhu cầu cả trong và ngoài nước suy yếu.

Các nhà kinh tế cho rằng sự phục hồi mờ nhạt của nền kinh tế Trung Quốc là do "hiệu ứng để lại sẹo" sau các biện pháp nghiêm ngặt nhằm chống Covid-19 và các quy định hạn chế kéo dài đối với lĩnh vực bất động sản và công nghệ gây ra. Với sự lo ngại rủi ro, các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân đang thận trọng tích lũy tiền tiết kiệm và trả hết nợ thay vì mua sắm hoặc đầu tư mới.

GDP quý II của Trung Quốc tăng 7,3%, nền kinh tế phục hồi yếu - Ảnh 1.

Dự đoán GDP Quý II của Trung Quốc.

Dữ liệu hôm thứ Năm ngày 13/7 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tháng 6/2023 đã giảm mạnh nhất trong ba năm, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trên toàn cầu hạ nhiệt.

Dữ liệu đầu tuần cũng cho thấy giá sản xuất của nước này trong tháng 6 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm  và giá tiêu dùng cũng bấp bênh trên bờ vực giảm phát.

Thủ tướng Lý Cường đã cam kết trong cuộc họp với các nhà kinh tế vào tuần trước, rằng sẽ đưa ra các biện pháp chính sách kịp thời để ổn định việc làm và GDP. Mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp dự kiến của Bộ Chính trị vào cuối tháng này, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu có thể vạch ra lộ trình chính sách cho thời gian còn lại của năm.

Các nhà kinh tế cho biết, trong khi Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% vào năm 2023, thì sự suy giảm này có thể gây ra tình trạng mất việc làm nhiều hơn, rủi ro giảm phát cao hơn, làm xói mòn thêm niềm tin của khu vực tư nhân.

Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi Reuters cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này có thể sẽ chậm lại ở mức 4,8% trong quý 3 và 5,3% trong quý 4, và mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 5,5%.

Những nhà nghiên cứu chính sách và kinh tế cho biết các nhà chức trách có khả năng sẽ triển khai các bước kích thích bao gồm chi tiêu tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, hỗ trợ nhiều hơn cho người tiêu dùng và các công ty tư nhân, đồng thời nới lỏng một số chính sách bất động sản.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Hai 10/7 đã gia hạn một số chính sách đã được công bố trong gói giải cứu vào tháng 11 để vực dậy lĩnh vực bất động sản, bao gồm gia hạn trả nợ cho các nhà phát triển đến cuối năm 2024 .

Các nhà phân tích được Reuters thăm dò ý kiến dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng xuống 25 điểm cơ bản trong quý thứ ba, đồng thời giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn. Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay 10 điểm cơ bản vào tháng 6, đây là lần giảm đầu tiên trong vòng 10 tháng.

Nhưng ngân hàng trung ương có thể sẽ cảnh giác hơn với việc cắt giảm thêm lãi suất cho vay. Các nhà phân tích cho biết, việc các công ty tư nhân và hộ gia đình miễn cưỡng vay tiền có nghĩa là việc tiếp tục nới lỏng chính sách có thể gây tổn hại cho các ngân hàng vốn đang phải vật lộn với áp lực ký quỹ.

Việc nới lỏng mạnh tay cũng có thể kích hoạt nhiều dòng vốn chảy ra khỏi thị trường tài chính đang gặp khó khăn của Trung Quốc và gây áp lực lên đồng nhân dân tệ, đồng tiền gần đây đã trượt xuống mức thấp nhất trong 8 tháng.

N.Hải (Theo Reuters)
Tags:
Cùng chuyên mục