Giá bán USD tăng cao nhất trong lịch sử và kịch bản hành động của Ngân hàng Nhà nước

Phương Thảo Thứ ba, ngày 16/04/2024 06:30 AM (GMT+7)
Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại liên tục “nổi sóng” và giá bán lên mức cao nhất trong lịch sử từ năm 2000 đến nay, lên hơn 25.300 đồng. Với tốc độ biến động của tỷ giá VND/USD hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để bình ổn thị trường?
Bình luận 0

Giá bán USD tại ngân hàng tăng cao nhất trong lịch sử từ năm 2000 đến nay

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính chia sẻ: "Ở thời điểm hiện tại, đồng VND tiếp tục mất giá. Tỷ giá VND/USD chính thức tăng thêm 0,24% trong tuần, nếu tính từ đầu năm thì đã tăng tới 3,16% (cả năm 2022 và 2023 mất giá lần lượt 3,4% và 2,9%)."

Khảo sát của Dân Việt cuối ngày 15/4 cho thấy, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.096 VND/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.892-25.300 đồng.

Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do đồng loạt "nổi sóng". Cụ thể, tại Vietcombank, giá bán USD hiện được niêm yết ở mức 24.960-25.300 đồng, tăng 120 đồng so với cuối tuần trước. Đây cũng giá bán USD cao nhất trong lịch sử của Vietcombank từ năm 2000 đến nay. Mức giá này đã vượt giá bán USD mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 25.250 đồng/USD vào ngày 15/4.

Thậm chí, VietinBank đang có mức giá mua/bán USD cao hơn. Hiện giá bán USD đang được niêm yết ở mức 24.995 - 25.301 đồng, tăng tới 3,6% so với hồi đầu năm. Như vậy, giá bán USD của ngân hàng này hiện đã vượt mức giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và vượt chạm mức giá trần được phép giao dịch (25.300 đồng).

Với việc các ngân hàng đưa giá bán USD lên sát thậm chí chạm trần cho phép cũng như vượt mức giá bán tại Sở Giao dịch, NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.

Ba kịch bản can thiệp tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước

Với diễn biến của tỷ giá VND/USD, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ có 3 mức độ can thiệp:

Giá bán USD tăng cao nhất trong lịch sử và kịch bản hành động của Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Một là, can thiệp thấp, để tỷ giá VND/USD chạy thêm 3-4% như hồi năm 2022. Tỷ giá VND/USD tăng liên tục từ 4 tháng từ tháng tháng 6 đến tháng 10, mức tăng từ đáy lên đỉnh là 7,3%. Tuy nhiên cái giá của 2022 không hề nhỏ khi phải bơm ra hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối và sau đó NHNN phải nâng lãi suất lên đột ngột.

Hai là, can thiếp vừa phải, tỷ giá VND/USD có thể tăng thêm 1-2%. Trong quý III/2023, NHNN bán gần 1,5 tỷ USD dự trữ để bình ổn tỷ giá, kết hợp phát hành tín phiếu để hút tiền. Cung ngoại tệ tốt do xuất siêu cao giúp ổn định tỷ giá mà chưa cần can thiệp mạnh hơn.

Cuối cùng là can thiệp mạnh, tỷ giá VND/USD tăng thêm không quá 1%. NHNN hút mạnh tiền bằng tín phiếu, đẩy lãi suất liên ngân hàng, bán dự trữ và/hoặc tăng lãi suất điều hành sớm mà không phải chờ đến gần 4 tháng như hồi năm 2022.

Tuần trước, NHNN "bơm" ròng vào hệ thống 51,2 nghìn tỷ đồng, trong đó phần bơm có 10 nghìn tỷ từ OMO (NHNN cho vay nóng), 75 nghìn tỷ từ tín phiếu đáo hạn; phần "hút" có 25,2 tỷ tín phiếu phát hành mới và 8,4 nghìn tỷ từ OMO đáo hạn.

NHNN nâng lãi suất tín phiếu lên 3,5% so với cuối tuần trước là 2,7%. Lãi suất liên ngân hàng cũng đã tăng lên xấp xỉ 4%. Sức nóng thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu lan sang thị trường 1. Lãi suất tiết kiệm nhích tăng 0,1-0,5% từ mức "thấp nhất 20 năm".

Giá bán USD tăng cao nhất trong lịch sử và kịch bản hành động của Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 2.

Nguồn: FBNV

Quý I/2024 mức xuất siêu đã giảm do các hoạt động kinh tế ấm hơn nên kéo nhập khẩu tăng. Vì vậy, ông đưa ra 2 khả năng về cán cân thương mại. Đầu tiên, mức xuất siêu duy trì tương đối cao, xấp xỉ quý I và mức độ xuất siêu tiếp tục giảm. Cán cân thương mại quan trọng nhưng chưa quyết định được cung cầu ngoại tệ. Còn nhiều yếu tố như tình trạng găm giữ, đầu cơ, dòng vốn,... 

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh suy đoán NHNN sẽ tiếp tục thăm dò thị trường bằng cách điều chỉnh lãi suất từ từ xem phản ứng thị trường như thế nào. Mức mất giá của VND nhanh từ đầu năm có thể khiến những người găm giữ thấy đã đến "thời cơ chín mồi" để bán ra. Thời gian này, NHNN cũng có thể bán dự trữ ở mức hạn chế (như quý III/2023) để gửi tín hiệu. Đây rất có thể sẽ là hành động trong một vài tuần tới.

Ngoài ra, ông Linh còn suy đoán rằng, sau mấy tuần đó, nếu cung ngoại tệ vẫn căng thì cần phải hành động rõ ràng hơn, NHNN bắt đầu chỉ thị việc tăng lãi suất. Lần này sẽ tăng sớm chứ không để tỷ giá "bay" nhiều như trong năm 2022. Mức tăng vừa phải như 0,25%; 0,5% chứ không phải 1%. Điều này dễ có thể xảy ra khi biện pháp thăm dò trên không đủ để kìm tỷ giá VND/USD.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, NHNN sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá thông qua việc bán USD".

Lần gần nhất NHNN phải bán ngoại tệ để bình ổn thị trường diễn ra vào năm 2022. Theo đó, từ đầu quý II/2022, NHNN đã thực hiện bán kỳ hạn lượng lớn USD nhằm ổn định thị trường ngoại tệ sau khi Fed liên tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, trước áp lực tỷ giá vẫn lớn, đến giữa tháng 7/2022, NHNN đã chuyển từ hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sang hợp đồng giao ngay và tăng giá bán thêm 150 đồng, lên mức 23.400 đồng/USD.

Trong trường hợp NHNN phải bán USD để bình ổn thị trường (bán kỳ hạn không hủy ngang hoặc bán giao ngay) điều này sẽ có chiều hướng làm giảm cung tiền VND và tác động tới phần nào thanh khoản hệ thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem