Giá cà phê giảm mạnh, nhiều nơi chạm mốc 32.000 đồng/kg
Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam
Sau khi hồi phục nhẹ 100 đồng ngày hôm qua, giá cà phê hôm nay giảm mạnh, nhiều địa phương chủ chốt đã chạm mức 32.000 đồng/kg. Nguyên nhân bởi thị trường cà phê bị áp lực giảm bởi đồng real của Brazil suy yếu, đồng tiền này đã hồi phục vào cuối phiên, nhưng không làm thay đổi chiều hướng của thị trường cà phê.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản Việt Nam, giá cà phê thế giới chạm đáy 13 năm do áp lực dư cung. Brazil đã tăng cường bán phòng hộ và hàng vụ mới hiện nay rất dồi dào. Thêm vào đó, các đại lý cho biết đợt mưa cần thiết tại các khu vực cây trồng quan trọng của Brazil đã khiến giá giảm trong tuần này, làm giảm lo ngại thời tiết khô hạn có thể gây thiệt hại cho cây trồng trong giai đoạn nở hoa.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo lượng tiêu thụ trong cà phê trong niên vụ 2018/19 tăng hơn 2% lên 164,7 triệu bao. So với mức tăng trưởng mạnh hơn từ sản lượng, tính đến cuối niên vụ 2018/19, ICO dự báo thế giới có thể thặng dư gần 5 triệu bao cà phê.
Tuy nhiên, theo Công ty tư vấn Safras và Mercado, sản lượng cà phê của Brazil năm 2019 dự báo đạt 58,9 triệu bao, giảm nhẹ so với mức kỉ lục 62 triệu bao trong năm 2018.
Theo Ủy ban cà phê Tazania, sản lượng cà phê của nước này đã tăng mạnh, từ 47.000 tấn trong niên vụ 2017/18 lên 65.500 tấn trong niên vụ 2018/19 nhờ thời tiết thuận lợi và diện tích gia tăng.
Theo ICO, sản lượng cà phê cao đã giúp Tazania vượt qua Kenya lên vị trí thứ 4 trong số các nhà sản xuất hàng đầu ở châu Phi, từ vị trí thứ 5 trong các năm trước.
Hiện Ethiopia là nước sản xuất cà phê lớn nhất khu vực châu Phi với sản lượng đạt 450.000 tấn, Uganda đứng ở vị trí thứ 2 với sản lượng đạt 294.000 tấn, Bờ Biển Ngà đứng ở vị trí thứ 3 với 96.000 tấn.
Theo giới phân tích, việc giá cà phê thế giới sụt giảm trong những tháng gần đây, xuống mức thấp nhất trong 13 năm, đã bắt đầu gây ra một sự rung chuyển lớn trên thị trường. Ở đó, chỉ những nhà sản xuất cà phê hiệu quả nhất mới có thể phát triển mạnh.
Trên thế giới, Brazil và Việt Nam vẫn là hai thị trường cà phê lớn nhất. Các nhà sản xuất cà phê đối thủ khác đang có khả năng bị cho ra rìa và không có thu nhập từ loại cây này nên đang tìm cây trồng khác thay thế và chuyển đổi kinh doanh sang những mô hình khác.