Giá cà phê tăng nhẹ nhưng nặng trĩu nỗi lo
Giá cà phê hôm nay 1/8: Nhích nhẹ 100 đồng/kg trong ngày đầu tuần
Giá cà phê hôm nay (1/8) tiếp đà tăng với mức điều chỉnh 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Sau biến động, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm trong nước đang dao động trong khoảng 44.000 - 44.500 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng tăng 100 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 44.000 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 43.900 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk tăng 100 đồng/kg, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 44.500 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 44.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai tăng 100 đồng/kg, giá ở Pleiku là 44.400 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 44.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Nông tăng 100 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 44.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum tăng 100 đồng/kg, dao động ở mức 44.400 đồng/kg.
Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM tăng 100 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 48.400 đồng/kg.
Cà phê trong nước tăng khá tốt trong tháng 7 vừa qua, thêm đến gần 2.000 đồng/kg so với đầu tháng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do các nhà kinh doanh tính lợi nhuận trên đồng ngoại tệ (USD) được giá khi thu về. Do vậy khi đồng USD tăng, khiến VND trượt giá so với USD.
Trên sàn giao dịch, giá cà phê kỳ hạn diễn biến trái chiều vào các phiên giao dịch cuối tuần.
Giá cà phê chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 29/7), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 15 USD (0,74%), giao dịch tại 2.030 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 14 USD (0,70%) giao dịch tại 2.028 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm nhẹ 1 Cent (0,46%), giao dịch tại 217,4 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 0,7 Cent/lb (0,33%), giao dịch tại 213,9 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Trước đó, những ngày giữa tháng 7/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp. Các Quỹ và nhà đầu cơ tháo chạy ra khỏi thị trường khi đồng USD tăng mạnh khiến các đồng tiền mới nổi mất giá trước nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái và lạm phát tăng nhanh.
Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu tiếp tục tác động tiêu cực lên giá cà phê thế giới. Thị trường cà phê Arabica hàng thực ở Brazil đã không hoạt động trong một số tuần. Giá cà phê giảm mạnh trên sàn giao dịch New York đã khiến hoạt động mua bán bị đình trệ.
Theo Cecafé, trong niên vụ cà phê 2021/2022 (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022), Brazil xuất khẩu 39,589 triệu bao (bao 60 kg) cà phê các loại, trị giá 8,17 tỷ USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 38,7% về trị giá so với niên vụ cà phê 2020/2021.
Trên sàn giao dịch London, ngày 18/7/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 1,1% so với ngày 8/7/2022, xuống còn 1.923 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 11/2022 và tháng 1/2023 cùng giảm 1,2% so với ngày 8/7/2022, xuống còn lần lượt 1.924 USD/tấn và 1.919 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/7/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 9/2022, tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 8,7%, 9,0% và 9,1% so với ngày 8/7/2022, xuống mức 199,8 Uscent/lb, 196,6 Uscent/lb và 193,9 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/7/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 9,4%, 9,5% và 9,2% so với ngày 8/7/2022, xuống còn 244 Uscent/ lb, 242 Uscent/lb và 242,3 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.978 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 21 USD/ tấn (tương đương mức giảm 1,0%) so với ngày 8/7/2022.
Xu hướng giá cà phê giảm được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá sẽ chậm lại do thời tiết không thuận lợi và thiếu hụt nhân công ở Brazil. Theo báo cáo của Safras & Mercados, hiện Brazil mới thu hoạch khoảng 48% vụ mùa, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 58% vào cùng thời điểm do thiếu hụt nhân công thu hái và thời tiết vẫn thiếu nắng, không thuận lợi cho việc phơi sấy.
Giá cà phê được dự đoán sẽ tiếp tục chịu áp lực
Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021. Nguyên nhân do năng suất thấp, vỏ quả đẹp nhưng không có nhân bên trong, hoặc nhân rất bé do người dân không có vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây. Sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 đạt 1,62 triệu tấn, trong khi sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2021-2022 chỉ đạt hơn 1,5 triệu tấn với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là Robusta.
Trong quý III/2022, tuy không có cà phê để thu hoạch, nhưng giới thương nhân Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Đến tháng 11 sẽ có cà phê vụ mới được thu hoạch. Với mức giá được duy trì như hiện nay thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Báo cáo lạm phát lõi của Mỹ, không bao gồm lương thực và năng lượng (PCE), trong tháng 6 đã tăng tốc hơn thị trường dự kiến, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên lo ngại Fed sẽ vẫn mạnh tay trong cuộc họp chính sách tháng 9.
Tổng xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 5 tăng 3% lên gần 1 triệu bao. Trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022, đã có 8,2 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu, tương ứng với mức tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên 10,1% (tính theo mức trung bình 12 tháng) vào tháng 5 so với 10% của cùng kỳ năm 2021.
Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với 2,6 triệu bao trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022, tiếp theo là Ấn Độ và Indonesia với lần lượt xuất khẩu 1,4 triệu và 1,2 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê rang xay cũng ghi nhận mức tăng 9,9% trong tháng 5 lên 75.329 bao. Lũy kế từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022 xuất khẩu cà phê rang xay đạt tổng cộng 0,6 triệu bao.
Cà phê là 1 trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.
Tuy vậy, hiện cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là cà phê Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Như tại thị trường Anh, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Anh cũng như muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.
Hay như với Trung Quốc, cà phê của Việt Nam xuất sang thị trường này vẫn chủ yếu là cà phê Robusta dưới dạng thô, thường có giá thấp trên thị trường cà phê thế giới. Để tận dụng được thị trường Trung Quốc thì ngoài bán thô, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực chế biến. Trung Quốc được đánh giá là thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD. Ưu thế của Việt Nam lại là nước láng giềng, lân cận nên vận chuyển thuận lợi hơn, cung đường ngắn hơn.
Với những số liệu về triển vọng sản lượng cà phê thời gian tới, giá cà phê được dự đoán sẽ tiếp tục chịu áp lực khi nguồn cung dồi dào.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao.
Cùng lúc đó, tình hình lạm phát tăng cao và các đồng Yên Nhật, EUR mất giá cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các nước.
Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981.
Còn tại Châu Âu, theo cơ quan thống kê Eurostat, lạm phát ở khu vực đồng euro trong tháng 5 ước đạt 8,1% tính theo năm và đây sẽ là mức cao tuyệt đối kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu.
Việc lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến hành vi chi tiêu của người dân các nước. Họ sẽ có xu hướng ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, lương thực. Trong khi đó, với nhiều nơi cà phê không phải là mặt hàng thiết yếu cũng không phải là mối ưu tiên hàng đầu.
Thị trường cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 nói chung và quý II nói riêng khá thuận lợi khi giá xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp thuận lợi. Điều này thể hiện trong con số kim ngạch và lượng xuất khẩu đạt kỷ lục. Tuy nhiên, USDA cho rằng thị trường cà phê Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát ở các nước khu vực châu Âu, Mỹ đều tăng cao. Trong khi đó, đây đều là các thị trường quan trọng của ngành cà phê Việt Nam.
Ngoài ra, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, việc nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa sau này. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới do Covid-19 gây ra, cùng với sự thiếu hụt các tàu chở container mới, đã buộc các công ty phải tải các tàu cũ của họ lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu giao thương quốc tế.
Theo công ty phân tích vận tải Clarksons Research, tổng công suất của đội tàu container của thế giới đã tăng trong thời kỳ đại dịch, tăng 2,9% vào năm 2020 sau khi tăng 4% vào năm 2019 và 5,6% vào năm 2018. Mặc dù vậy Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho rằng giá cà phê nội địa sẽ không theo giá phái sinh do các nhà kinh doanh tính lợi nhuận trên đồng ngoại tệ (USD) được giá khi thu về. Cơ hội cho giá cà phê nội địa lên 45 triệu đồng/tấn là có thể xảy ra nhưng không phải do giá trên sàn London tăng mà nhờ VND trượt giá so với USD. Muốn bán giá cao hơn, người kinh doanh cần phải theo dõi tỷ giá USD với VND. VND càng rẻ so với USD, giá cà phê nội địa càng tăng. Hiện tượng tăng này cũng không phải vì do nhu cầu tiêu thụ mà do yếu tố tiền tệ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, giá cà phê sẽ còn chịu những áp lực về cước vận tải tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng tăng bất thường, lạm phát tăng mạnh, trong khi túi tiền của người tiêu dùng trên khắp thế giới chỉ có hạn, tiêu thụ cà phê có thể sụt giảm.