Giá cao su chạm 2.200 USD/tấn, cao nhất hơn 8 tháng
Tính từ đầu năm, giá cao su tăng 13,5%. Mặt hàng này từng lập kỷ lục vào tháng 2/2011 với 4.560 USD/tấn.
Thị trường cao su thế giới đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá dầu lên hơn 90 USD/thùng. Bên cạnh đó, mưa lớn ở Thái Lan - quốc gia sản xuất hàng đầu - có thể làm giảm sản lượng mặt hàng này.
Năm 2021, cao su thế giới gặp khó khăn do thị trường ôtô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn, nhập khẩu cao su từ Trung Quốc chậm lại bởi chính sách “Zero Covid” và sự mạnh lên của đồng USD. Vì vậy, giá trong năm 2021 phần lớn đi ngang hoặc giảm, mặc dù cũng có vài đợt tăng, nhưng không kéo dài quá 1 tháng.
Năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng trong quý I do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su tự nhiên, đồng thời đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu cao su thế giới. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tăng trưởng cả về lượng và trị giá, trong đó trị giá xuất khẩu lập kỷ lục.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,95 triệu tấn cao su, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020.