Giá cao su hôm nay 23/2: Giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, điều gì đang xảy ra?
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 23/2/2022, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 7/2022, giảm mạnh xuống mức 255,4 JPY/kg, giảm mạnh 4,9 yên, tương đương 1,92%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 65 CNY, xuống mức 14.155 CNY/tấn, tương đương 0,46%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm mạnh do giá nguyên liệu tại nước sản xuất cao su hàng đầu là Thái Lan tăng mạnh. Tại Thái Lan, giá mủ cao su tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Ngày 18/2, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 67,1 baht/kg, tăng 4% so với 10 ngày trước đó và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt hàng cao su giảm giá trong phiên này sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 23/3 là 265,2 yên.
Ngoài ra, giá cao su giảm tại Nhật Bản còn do thông tin dự báo dự trữ cao su của Malaysia tăng lên. Dự trữ cao su tự nhiên tại Malaysia tính đến cuối tháng 12/2021 đạt 285,21 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cuối tháng 11/2021 và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật phiên này cũng giảm 1,7%, là phiên thứ 4 liên tiếp giảm.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su cũng liên tục giảm mạnh, có phiên giảm xuống mức 13.860 nhân dân tệ/tấn (ngày 17/2).
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 192,72 nghìn tấn cao su, trị giá 331,12 triệu USD, giảm 22,9% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 1,7% về lượng và tăng 8,6% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2022 ở mức 1.718 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 12/2021 và tăng 6,8% so với tháng 1/2021.
Để đẩy mạnh xuất khẩu cao su trong năm nay, ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang cố gắng hướng tới tăng thị phần ở thị trường Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 1,94 triệu tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 4,04 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hoa Kỳ trong năm 2021.
Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su đứng thứ 11 cho Hoa Kỳ với 43,19 nghìn tấn, trị giá 75,77 triệu USD, tăng 69,6% về lượng và tăng 106,2% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 2,2%, tăng so với mức 1,6% của năm 2020.
Trong năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 1 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 1,85 tỷ USD, tăng 24,5% về lượng và tăng 54,8% về trị giá so với năm 2020. Indonesia, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Việt Nam và Liberia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hoa Kỳ trong năm 2021.
Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ, với 43,12 nghìn tấn, trị giá 75,42 triệu USD, tăng 69,9% về lượng và tăng 107,3% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 4,3%, tăng so với mức 3,2% của năm 2020.
Trong năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 665,26 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 1,49 tỷ USD, tăng 16,9% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với năm 2020. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga và Mehico là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hoa Kỳ trong năm 2021.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hoa Kỳ trong năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Đức, Mehico trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm; trong khi thị phần của Nhật Bản, Nga lại tăng. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,01% trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu tiếp tục cao khi kinh tế hồi phụ mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong tháng đầu tiên của năm nay, giá cao su xuất khẩu vẫn ở mức cao. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, trong ngắn hạn, giá cao su có thể sẽ tăng trở lại do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ đông. Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covid-19 mới trên toàn cầu.