Giá cao su hôm nay 21/2: Giảm đỏ toàn thị trường, một dự báo đáng chú ý
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 21/2/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 6/2022, giảm nhẹ xuống mức 256,8 JPY/kg, giảm nhẹ 0,8 yên, tương đương 0,31%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 25 CNY, xuống mức 14.030 CNY/tấn, tương đương 0,18%.
Giá cao su Nhật Bản giảm theo giá cao su Thượng Hải trong bối cảnh nhu cầu đối với các tài sản rủi ro sụt giảm. Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia…
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Đà tăng của giá cao su gần đây vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covid-19 mới trên toàn cầu, cùng với sự chậm lại trong sản xuất ô tô đã làm tăng lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi.
Từ đầu tháng 2/2022 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á biến động mạnh khó lường, song nhìn chung là phiên tăng nhiều hơn phiên giảm.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng giá cao su trong năm 2022 sẽ vẫn lạc quan, giá bán sẽ không thể giảm quá sâu.
ANRPC dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cây cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su.
Năm 2021 là năm "sóng gió" với ngành cao su Việt Nam. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến từ hoạt động sản xuất mủ cao su đến chế biến gỗ cao su. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của năm 2021 vẫn đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020.
Việc xuất khẩu cao su của Việt Nam năm qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada... tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.
Năm 2022, dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể vượt mức 3,5 tỷ USD.
Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng so với năm 2020. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,39 triệu tấn cao su, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 25% về trị giá so với năm 2020; Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.636 USD/tấn, tăng 21,8% so với năm 2020.