Giá dầu thủng mốc 20 USD, chuyên gia ước tính nhu cầu dầu giảm 20 triệu thùng/ ngày

30/03/2020 18:10 GMT+7
Giá dầu có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất 18 năm trong phiên giao dịch thứ Hai trên thị trường Châu Á khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công nhu cầu dầu quốc tế.
Giá dầu thủng mốc 20 USD, chuyên gia ước tính nhu cầu dầu giảm 20 triệu thùng/ ngày - Ảnh 1.

Giá dầu Brent vừa xuống mức thấp nhất trong 18 năm do tác động từ đại dịch Covid-19

Vào 4 giờ chiều 30/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế giảm 8,4%, tức 2,09 USD/ thùng xuống 22,84 USD/ thùng. Có thời điểm trong ngày, giá dầu Brent giảm còn 22,58 USD/ thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002.

Giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giảm 1,11 USD/ thùng, tương đương 5,2%, xuống còn 20,40 USD/ thùng. Có thời điểm trong phiên giao dịch, giá dầu WTI xuyên ngưỡng 20 USD xuống 19,92 USD/ thùng.

Nhu cầu dầu toàn cầu đang “bốc hơi” khi hàng loạt quốc gia tuyên bố phong tỏa, làm tê liệt nhiều nền kinh tế lớn, buộc các doanh nghiệp đóng cửa, giao thông trì trệ. Chuyên gia Jac Staunovo từ ngân hàng UBS thậm chí dự đoán giá dầu sẽ giảm sâu hơn trong thời gian tới khi dịch Covid-19 tiếp tục tấn công nền kinh tế.

Còn chuyên gia dầu mỏ Dan Yergin, phó chủ tịch IHS Markit thì nhận định thị trường dầu mỏ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép từ cả phía cung và cầu. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu cả liên minh OPEC+ sụp đổ đang khiến nguồn cung dầu tăng mạnh trong khi nhu cầu dầu bị đè bẹp bởi khủng hoảng đại dịch Covid-19.

“Sự cố OPEC+ tan vỡ chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Điều quan trọng hơn là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới” - theo ông Dan Yergin.

Tính đến nay, toàn cầu xác nhận hơn 723.000 ca nhiễm Covid-19 cùng hơn 34.000 ca tử vong. Trong đó, Mỹ - nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất với 140.000 ca nhiễm bệnh, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Đại học Johns Hopkins. 

Sự bùng phát dịch bệnh đã buộc các chính phủ cân nhắc những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, ngay cả khi cái giá phải trả là sự giảm tốc mạnh mẽ của nền kinh tế. 

“Đường phố vắng bóng xe cộ, máy bay hạ cánh hàng loạt, nhà máy không hoạt động, người dân không đi làm… Theo dự báo của chúng tôi, trong tháng 4 tới, nhu cầu dầu mỏ có thể giảm mạnh 20 triệu thùng/ ngày” - ông Yergin nói thêm. “Mức giảm mạnh mẽ đó là chưa từng thấy trong lịch sử, gấp 6 lần thời kỳ tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008”.

Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 đạt khoảng 99,67 triệu thùng/ ngày; theo ước tính của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC. 

Trong khi nhu cầu dầu dự kiến giảm mạnh, Arab Saudi và Nga lại đang khởi động cuộc chiến tranh giá dầu với tuyên bố tăng nguồn cung dầu vào tháng 4, ngay sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2,1 triệu thùng dầu của OPEC+ hết hạn. 

“Tháng 4 sẽ là một tháng rất khó khăn” - Dan Yergin cho hay. “Bất kỳ giải pháp khả thi nào cho cuộc chiến giá dầu có lẽ sẽ đến từ G20, tổ chức bao gồm một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Arab Saudi và Mỹ”. Tuy nhiên, trong khi Mỹ và Arab Saudi có mối quan hệ đồng minh khá tốt, Washington và Moscow lại giữ mối quan hệ tương đối lạnh nhạt và khó có khả năng đạt được thỏa thuận tiến bộ nào. 

Giá hợp đồng dầu thô tương lai đã giảm mạnh 60% kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục