"Giá heo hơi cao thèm thật, nhưng bảo tái đàn thì chạy...mất dép"

16/04/2020 06:00 GMT+7
Giá heo hơi vẫn đang vọt tăng ở nhiều nơi, nhưng người chăn nuôi vẫn e dè không dám tái đàn vì giá heo con giống cao và tâm lý lo ngại dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại.

Chia sẻ với Etime, ông Ngữ ngụ xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết, năm ngoái dịch tả heo châu Phi bùng phát, đàn lợn 20 con của ông bị chết sạch. Từ đó đến nay đã 10 tháng trôi qua, ông vẫn không dám tái đàn trở lại. Hiện tại, gia đình ông chuyển sang chăn gà, vịt thay thế.

Ông Ngữ cho hay, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Sơn Động cũng có tâm lý như ông là chưa dám tái đàn trở lại. Vì không có tiền vốn để mua heo giống, và lo sợ dịch bệnh quay trở lại. "Giá con heo giống giờ mua vào cao ngất ngưởng từ 1,8 triệu đến hơn 2 triệu đồng/kg, giá thức ăn cho heo cũng tăng cao. Chăn được đến lúc xuất chuồng mà cứ nơm nớp không yên, chỉ sợ có dịch là mất toi hết cả, thậm chí lâm cảnh nợ nần", ông Ngữ nói.

"Giá heo hơi cao thèm thật, nhưng bảo tái đàn thì chạy...mất dép" - Ảnh 1.

Hiện giá heo hơi đang được giá nhưng người chăn nuôi vẫn không dám tái đàn

Cũng bày tỏ sự tiếc rẻ khi biết heo đang được giá, nhưng ông Nam (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, nhiều tháng qua gia đình chưa dám nhập lợn trở lại. "Cách đó mấy tháng, có trại nhập 30 con về chăn nhưng được ít ngày lại xảy ra dịch nên các trại ở khu vực này không dám tái đàn", ông Nam cho biết.

Ông Nam cũng chia sẻ, hiện giá heo hơi tại Hà Nam giá cao ngất ngưởng, dao động trong khoảng 88.000 đồng/kg, thậm chí heo đẹp có thương lái hét 95.000 đồng/kg. "Thấy giá heo hơi cao thì thèm thật, nhưng bảo tái đàn thì nói thật, chạy mất dép vì sợ", ông Nam chép miệng.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay 99% số xã phát sinh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhiều địa phương đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Cùng với tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái đàn lợn để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và bình ổn giá trên thị trường.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, với quy mô đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao và dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vacine điều trị, cộng với thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho virus phát triển, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp không chủ quan, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong tái đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đàn lợn nái hiện còn 2,7 triệu con; đàn giống thuần chủng vẫn còn khoảng 109.000 con, tương đương 90% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn, không có chuyện thiếu con giống.

Bên cạnh đó, năng lực chăn nuôi hiện nay rất cao, cơ sở vật chất chuồng trại vẫn còn. Trong quá trình chống dịch đã hình thành được các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học có thể nhân rộng trong điều kiện sản xuất ở trang trại, gia trại…

"Các tỉnh tập trung cho việc tái đàn lợn mà không cần phải do dự. Khi cơ chế chính sách đã có, cùng với mặt hàng thịt lợn vẫn đang chiếm tỷ lệ trên dưới 70%, nhu cầu hàng hóa nên sẽ ảnh hưởng ngay CPI. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trực tiếp việc này, đề nghị các địa phương tập trung cho giải pháp tái đàn, các doanh nghiệp không xảy ra dịch bệnh cũng cần chủ động tăng đàn lợn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

An Vũ
Cùng chuyên mục