Giá heo hơi ngày 3/7: Giá heo hơi cao do 2 "ông lớn" chi phối thị trường?

03/07/2020 06:58 GMT+7
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 3/7 miền Trung tăng giá, mức tăng từ 1.000 - 4.000 đồng. Theo một chuyên gia nghiên cứu, giá lợn hơi trên thị trường vừa qua bị dẫn dắt bởi 2 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam.

Giá heo hơi hôm nay: Miền Trung có nơi tăng 4.000 đồng

Thị trường heo hơi hôm nay mức điều chỉnh nhiều nhất ở khu vực miền Trung, mức tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Quảng Trị, Bình Định cùng tăng 3.000 đồng đạt 78.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, giá heo hơi tại Quảng Ngãi tăng 2.000 đồng lên 79.000 đồng/kg. Tăng mạnh nhất là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận với 4.000 đồng lên 79.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại Hà Tĩnh lại giảm 2.000 đồng/kg, đưa mức giá thu mua của địa phương này về mốc 85.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 78.000 - 88.000 đồng/kg.

Giá heo hơi ngày 3/7: Giá heo hơi cao do 1-2 "ông lớn" chi phối thị trường? - Ảnh 1.

Giá heo hơi hôm nay tăng một số nơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên

Thị trường lợn hơi miền Bắc hôm nay ổn định. Giá thu mua dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/kg. 

Cụ thể, cao nhất 93.000 đồng/kg có mặt tại Thái Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang. Tại Bắc Giang, giá heo hơi đạt 92.500 đồng/kg. Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên giá heo hơi cũng đạt 92.000 đồng/kg. Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ giá heo hơi dao động từ 90.000 - 91.000 đồng/kg.

Tính chung trên phạm vi cả nước, heo hơi của các tỉnh phía Bắc vẫn được thu mua với mức giá khá cao và ổn định.  

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc được mua trong khoảng từ 90.000 - 93.000 đồng/kg.

Thị trường heo hơi miền Nam tăng giảm trái chiều. Tại Cần Thơ, giá heo hơi đạt 88.000 đồng/kg sau khi tăng 1.000 đồng. Đây cũng là mức giá tại Cà Mau sau khi tăng 3.000 đồng/kg.

Trong khi đó, Bạc Liêu và Trà Vinh giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 85.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 83.000 - 88.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi cao do 1-2 ông lớn chi phối thị trường?

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” diễn ra sáng 2/7,  bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng  hiện nay có 1 - 2 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang chi phối thị trường. Doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có khả năng kiểm soát nguồn cung, ấn định giá cả và điều tiết thị trường thịt lợn.

“Đặc biệt tại khu vực miền Nam, doanh nghiệp lớn nhất này chiếm thị phần rất lớn với số lượng lợn hơi và sản lượng bán tại khu vực này khá cao (chiếm 56,38% mức tiêu thụ toàn thị trường)”, dẫn theo báo cáo của bà Hoa.

Viện dẫn theo nghiên cứu của Cục Chăn nuôi, bà Hoa chỉ ra rằng, giá lợn hơi trên thị trường vừa qua bị dẫn dắt bởi 2 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Sự biến động tăng hay giảm giá của 2 công ty này đều khá tương đồng với mặt bằng chung ở cả 2 miền Nam và Bắc trong suốt năm 2019 và những tháng đầu năm 2020.

“Nói cách khác, giá thịt lợn trên thị trường trong nước phản ánh khá chính xác mức giá được 2 công ty chiếm thị phần chi phối này đưa ra”, vị này cho hay.

Đến nay, giá thịt lợn hơi trên thị trường tự do vẫn ở mức cao. Nguyên nhân, theo bà Hoa, là do các công ty lớn chiếm thị phần chi phối hoàn toàn chưa có động thái giảm giá. Giá trên thị trường vì thế đang “nương” theo các “ông lớn” chăn nuôi này.

Đồng tình với việc phải điều tra các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ, 15 công ty chăn nuôi lớn đã đồng ý hạ giá xuống 70 nghìn đồng/kg, vậy mà chỉ một thời gian ngắn nhiều công ty chăn nuôi này đã liên kết ngang trong 7 ngày tăng 9 giá.

Chính những tác động của các tập đoàn có số lượng lợn lớn trên thị trường đã làm cho giá thịt lợn tăng trở lại. Thậm chí, theo ông Phú, có hiện tượng phải nộp tiền chênh lệch từ 15 - 20 nghìn đồng/kg lợn hơi mới được bắt lợn.

“Tiền chênh lệch đó yêu cầu phải gửi vào tài khoản riêng của cán bộ nghiệp vụ công ty chăn nuôi, bán hàng hầu như không xuất hoá đơn chính thống (có điều tra vào cuộc của báo chí). Những hiện tượng trên công với phần trăm chi phí của các khâu khiến giá lợn đẩy lên 50 - 60%”, ông Phú khẳng định.

Để cải thiện tình trạng này thì theo ông Phú, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng và có cơ sở pháp lý để bảo vệ thị trường trong nước và việc tiêu thụ hàng hoá trong nước. Ngoài ra, cần chú trọng công tác kiểm soát thị trường một cách công khai, minh bạch và công bằng, tờ Dân Trí thông tin.

An Vũ
Cùng chuyên mục