Giá lúa gạo đồng loạt tăng, thị trường xuất khẩu gạo sôi động
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tăng, sau 1 tuần chững lại trước đó.
Cụ thể, lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.625 đồng/kg, giá bình quân là 5.507 đồng/kg, tăng 79 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.050 đồng/kg, trung bình là 6.520 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng tăng tốt. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.160 đồng/kg, tăng 14 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.958 đồng/kg, tăng 25 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.675 đồng/kg, tăng 33 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.200 đồng/kg, tăng 67 đồng/kg.
Lượng gạo nguyên liệu về nhiều hơn, các kho hỏi mua đều. Bên cạnh giá các mặt hàng lúa gạo tăng, phụ phẩm tấm, cám khô cũng hút hàng, giá tiếp tục có xu hướng tăng. Thị trường giao dịch sôi động.
Hiện toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 30% diện tích lúa Đông Xuân, trong đó chủ yếu là Đài thơm 8 và OM 18; lúa IR504 và OM5154 khan hàng.
Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo đang thuận lợi bởi, nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga – Ukraine khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn, giảm 7,3% về lượng và giảm 9,2% về kim ngạch so với tháng 1/2022 và giảm 2,1% về giá. So với tháng 2/2021 thì tăng mạnh 52% về lượng, tăng 33,2% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá.
Trong tháng 2/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh 30,4% về lượng và tăng 27,2% kim ngạch so với tháng 1/2022, đạt 305.180 tấn, tương đương 140,14 triệu USD; So với tháng 2/2021 tăng rất mạnh 254,9% về lượng, tăng 203% kim ngạch nhưng giảm 14,6% về giá. Thị trường Trung Quốc cũng tăng 21,3% về lượng và tăng 15% kim ngạch, đạt 44.878 tấn, tương đương 21,83 triệu USD; nhưng so với tháng 2/2021 thì giảm mạnh 55,7% về lượng, giảm 59% kim ngạch và giảm 7,9% về giá.
Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn (tăng mạnh 48,6% so với 2 tháng đầu năm 2021), thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%), giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn (giảm 12%). Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 539.231 tấn, tương đương 250,35 triệu USD, giá trung bình 464,3 USD/tấn, tăng mạnh 110,7% về lượng, tăng 81,9% về kim ngạch nhưng giảm 13,4% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021; chiếm 55,3% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc đứng thứ 2 với 81.884 tấn, tương đương 40,82 triệu USD, giá trung bình 498,5 USD/tấn, giảm mạnh 48,6% về lượng, giảm 51,2% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với cùng kỳ năm 2021; chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 95.946 tấn, tương đương 38,02 triệu USD, giá 396,3 USD/tấn, tăng 205,7% về lượng và tăng 127,8% kim ngạch nhưng giảm 25,5% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9,9% trong tổng lượng và chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước xuất khẩu lớn đều tăng lên. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên từ 415- 428 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng lên 371- 378 USD/tấn từ mức tương ứng 370- 376 USD/tần của tuần trước đó, đây cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2021.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021 ở mức từ 410-415 USD/tấn vào ngày 10/3, so với mức tương ứng 400 USD/tấn vào tuần trước đó, trong bối cảnh nhu cầu cao hơn, và xung đột Ukraine-Nga khiến các khách hàng từ những nước khác thuộc châu Á đặt hàng nhiều hơn.
Chi phí vận chuyển đã tăng lên đáng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, với chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 50% và chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng từ 70-80%.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cũng nhờ các tuyến giao thương với Trung Quốc mở lại, cùng với một số thương nhân cho rằng nhiều người có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các chuyên gia nhận định, các chuyến hàng đưa gạo sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên do nước này đang mở cửa biên giới với Việt Nam sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine có thể thúc đẩy một số khách hàng nhập khẩu nhiều gạo từ châu Á hơn, trong đó có Việt Nam. Dự đoán, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng đáng kể từ tháng 3/2022 với các điểm đến truyền thống là Philippines và châu Phi, ngoài Trung Quốc.
Xuất khẩu gạo năm nay đã sôi động ngay từ những tháng đầu năm, báo hiệu một năm thuận lợi hơn về đầu ra của lúa gạo Việt Nam. Trên bình diện ngành lúa gạo toàn cầu, trong năm nay, cả sản lượng lẫn tiêu thụ đều được dự báo tăng, nhưng mức tăng tiêu thụ cao hơn nhiều so với mức tăng sản lượng. Đây cũng là tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Cụ thể, theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.