Giao dịch cầm chừng, đợi quan sát thị trường, giá lúa gạo sẽ ra sao?

02/03/2022 14:31 GMT+7
Theo các doanh nghiệp, hôm nay (2/3) lượng lúa gạo về ổn định. Các kho chưa mua nhiều mà đợi quan sát thị trường. Thị trường gạo giao dịch rất cầm chừng...
Giao dịch cầm chừng, đợi quan sát thị trường, giá lúa gạo sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 2/3 ổn định. Ảnh: CT

Giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 2/3 ổn định. Giá gạo IR NL 504 ở mức 8.100- 8.150 đồng/kg; gạo TP IR ở mức 8.850 đồng/kg; tấm 1 IR 7.700 đồng/kg và cám vàng 7.750-7.850 đồng/kg.

Tại thị trường An Giang, giá lúa gạo hôm nay ổn định. Gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thường 11.000 – 12 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Gạo Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; Gạo Sóc thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp, hôm nay lượng lúa gạo về ổn định. Các kho chưa mua nhiều mà đợi quan sát thị trường. Thị trường giao dịch rất cầm chừng.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt cũng có xu hướng đi ngang. Hiện gạo 5% tấm đứng ở mức 403 USD/tấn; gạo 25% tấm giữ vững 378 USD/tấn; gạo 100% tấm 338 USD/tấn; gạo thơm Jassime 518 – 522 USD/tấn.

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3/2022 này, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ.

Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Giao dịch cầm chừng, đợi quan sát thị trường, giá lúa gạo sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3/2022 này, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ.

Theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu gạo ổn định cùng chất lượng vượt trội đã tạo ưu thế cho xuất khẩu gạo của Việt Nam ngay trong tháng đầu năm 2022. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tháng 1/2022 tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch và giảm 5,8% về giá so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021 xuất khẩu gạo tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về kim ngạch nhưng giảm 11,8% về giá, đạt 505.741 tấn, tương đương 246,02 triệu USD, giá trung bình 486,5 USD/tấn.

Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 37,8% về lượng, tăng 20,6% kim ngạch nhưng giá giảm 12,5%.

Bờ biển Ngà vượt qua thị trường Trung Quốc lên đứng thứ 2 về kim ngạch, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 56.675 tấn, tương đương 23,38 triệu USD, giá trung bình 391,9 USD/tấn; giảm 14,7 % về lượng, giảm 34,9% về kim ngạch và giảm 23,6% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì tăng rất mạnh 424% về lượng, tăng 252,5% kim ngạch nhưng giá giảm 32,7%.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giá 513 USD/tấn, giảm 37,2% về lượng và giảm 32,2% về kim ngạch nhưng tăng 8% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì giảm cả về khối lượng, kim ngạch và gía với mức giảm tương ứng 36%, 37% và 1,5%.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Giao dịch cầm chừng, đợi quan sát thị trường, giá lúa gạo sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 02/2022 đã tăng 0,35% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,2%. Ảnh: CT

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 02/2022 đã tăng 0,35% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,2%.

Mức tăng cụ thể với gạo nếp là 0,49%; gạo tẻ ngon tăng 0,35%; gạo tẻ thường tăng 0,14%.

Giá gạo tăng nhẹ được cho là do nhu cầu trong và ngoài nước đều tăng. Giá xuất khẩu duy trì ở mức cao khi các thị trường tiêu thụ gạo chính của Việt Nam tăng cường nhập khẩu như Trung Quốc, Malaysia…

Thêm vào đó, trong nước, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng cũng khiến chỉ số giá lương thực tăng.

Giá gạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Trong tháng 2/2022, giá gạo tẻ thường dao động trong khoảng từ 11.400-12.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương dao động từ 17.300-19.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào trong khoảng mức 17.700-20.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.300-35.000 đồng/kg.

Theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, ước tính sẽ ở mức 6,3 triệu tấn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục