Gia nhập EVFTA: Nông dân phải là doanh nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam là 1 trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA
Hơn 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của đất nước và đưa Việt Nam vượt qua nhóm các nước có thu nhập thấp. Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Việt Nam hiện đang thực hiện 13 FTA, và với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa ký kết ngày 30/6/2019, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ, vì việc giảm thuế sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn, chi tiêu cao của châu Âu.
"EVFTA là một hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng", ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận định.
Về tiềm năng xuất khẩu, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi đó thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2%. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường EU rất lớn và dư địa cho Việt Nam xuất khẩu sang EU là lớn. Dư địa này cộng với cam kết cắt giảm thuế quan sẽ tạo lợi thế vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Các mặt hàng chủ chốt như cà-phê, hạt điều và hạt tiêu được EU nhập khẩu rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận đổi mới và công nghệ, tăng cường sự bền vững trong nông nghiệp thông qua nâng cao năng suất, chất lượng và đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững.
Nhiều thách thức cần phải đối mặt
Việt Nam ký kết EVFTA tạo ra cơ hội nhưng cũng đem đến những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, khỏa lấp được những rào cản, thách thức đang và sẽ có để duy trì sự phát triển.
"Các doanh nghiệp phải ý thức được rằng, chất lượng hàng hóa, thông lệ quốc tế cũng như những điều khoản khác trong hiệp định mà chúng ta đã cam kết là chìa khóa quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu", ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay.
Theo ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EU có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm. Vì vậy, việc doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau, học hỏi lẫn nhau và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi là điều cấp thiết.
Nâng cao tính cạnh tranh để nắm bắt cơ hội
Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thế giới, phải tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Đồng thời, việc chính phủ khuyến khích hướng nông dân với sản xuất lâu dài, bền vững, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu; cũng như giúp nông dân thay đổi trong việc tiếp cận thông tin, công nghệ tiên tiến và tài chính.
Các thiết bị hiện đại trong nông nghiệp như thiết bị máy bay không người lái sẽ giúp phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng và điều đó giúp nông dân ít tiếp xúc với hóa chất, phun đúng vị trí và liều lượng giúp tiết kiệm thuốc và hạn chế lạm dụng các sản phẩm hóa học. Ngoài ra, thiết bị bay không người lái cũng giúp nhà nông tiết kiệm nước. Hơn nữa, thiết bị còn là một giải pháp tuyệt vời giúp ứng phó với tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp.