Gia tăng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam xuất khẩu, có đáng ngại?
Số lượng vụ việc gia tăng nhanh
Theo số liệu từ Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh.
Cụ thể, giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh). Đến giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 9/2021 tăng mạnh lên 109 (58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).
Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, qua đó tổng số vụ việc tính đến nay là 208 vụ việc.
Đáng chú ý, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh tăng lên do một số nước đánh giá, hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập nguyên liệu từ một số nước đang bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Những mặt hàng bị áp nhiều nhất như thép, nhôm, thậm chí là tôm...
"Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chủ yếu như biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến vì cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế, vì hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến. Từ đó, có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước thì áp dụng biện pháp tự vệ.
Ngoài ra, còn có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng khi hàng hóa xuất khẩu trong nước có biểu hiện bán phá giá và có biểu hiện được Nhà nước trợ cấp để xuất khẩu", ông Khánh thông tin.
Đa dạng hóa thị trường, cần sẵn sàng đương đầu với phòng vệ thương mại
Nhận định về vấn đề trên, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cho rằng, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, việc các nước khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ là rất bình thường.
Theo đó, ông Dũng cho hay, phòng vệ thương mại là công cụ hợp pháp được quy định trong tất cả các Hiệp định thương mại. Do đó để phòng tránh rủi ro từ hoạt động này, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần chủ động nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó với các vụ việc.
Chia sẻ thêm về công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, ông Dũng cho biết, trước xu thế bảo hộ tại một số thị trường, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng. Nếu không có sự chủ động ứng phó, doanh nghiệp sẽ gặp những bất lợi.
"Cục Phòng vệ thương mại sẽ luôn theo sát và thực hiện các hoạt động phòng vệ thương mại trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế", ông Dũng khẳng định.
Cụ thể, ông Dũng cho biết Cục Phòng vệ thương mại sẽ triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, nhập khẩu để kịp thời có biện pháp phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.
"Đối với các vụ việc điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục tiến hành một cách công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo ý kiến của tất cả các bên có lợi ích liên quan đều được lắng nghe, đưa ra những kết luận phản ánh chính xác nhất nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.
Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thời gian qua, trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp", ông Dũng thông tin.
Ngoài những nỗ lực của cơ quan quản lý, ông Dũng cũng nhấn mạnh, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chú ý trong việc đa dạng hóa thị trường. Qua đó, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.
Đồng thời, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc", Cục trưởng Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.