Giá thủy sản tại thị trường châu Âu tăng vọt, Việt Nam vẫn thu 1 tỷ USD xuất khẩu thủy sản tháng 5
Xuất khẩu thủy sản tháng 5 vẫn chạm mốc 1 tỷ USD
Giá thủy sản tại thị trường châu Âu hiện đang ở mức rất cao. Giá cá ngừ tại thị trường châu Âu tăng mạnh khi hoạt động khai thác tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCP) không thuận lợi do thời tiết xấu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh cũng làm tăng chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ.
Giá bạch tuộc tại châu Âu mặc dù đã giảm, nhưng vẫn cao hơn năm ngoái khoảng 2 EUR/kg, nên vẫn được coi là khá cao với người tiêu dùng và các nhà máy chế biến bạch tuộc ăn liền. Giá tôm tại châu Âu vẫn cao và thị trường đang thiếu hụt tôm cỡ nhỏ. Các nhà hàng đã trở lại hoạt động hoàn toàn, nên nhu cầu tiêu thụ tôm giai đoạn này tăng cao.
Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Anh đã áp dụng mức thuế 35% đối với cá thịt trắng của Nga trong tháng 6/2022. Trước đó, hồi tháng 3 Chính phủ Anh đã ban hành lệnh trừng phạt đối với cá thịt trắng nhập khẩu từ Nga gồm cá tuyết cod, cá haddock và cá minh thái. Các sản phẩm này nằm trong danh sách các mặt hàng (trị giá 900 triệu bảng, tương đương 1,17 tỷ USD) phải đối mặt với mức thuế bổ sung 35% so với mức thuế thông thường. Tuy nhiên, khi các mức thuế này có hiệu lực vào 25/3/2022, cá thịt trắng được loại trừ khỏi danh sách của Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh (DIT).
Trong nước, sau khi đạt kỷ lục trên 1,1 tỷ USD trong tháng 4 vừa qua, sang tháng 5, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng mạnh nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước đó.
Xuất khẩu thủy sản tháng 5 chững lại so với tháng trước đó chủ yếu do xuất khẩu tôm giảm nhiệt. Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu tôm chỉ tăng 19%, đạt 416 triệu USD so với mức tăng 47% trong tháng trước dó. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 5 cũng có xu hướng chững lại so với tháng 4, tăng 65% đạt 245 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao gần 90%, kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD.
Các vấn đề lạm phát, giá thực phẩm và thủy sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Về thị trường, nhu cầu nhập khẩu cá tra của nhiều khu vực vẫn tiếp tục tăng, nhất là Mỹ, EU và Trung Quốc.
Theo phân tích của các chuyên gia thị trường thủy sản, xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế; trong đó, có khai thác thủy sản, khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm trong khi chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp trong thời gian tới.