Đồng loạt đổi màu từ đỏ sang tím, đích nào cho cổ phiếu thủy sản?

01/06/2022 17:22 GMT+7
Cổ phiếu thủy sản đã có phiên giao dịch rực rỡ khi quay đầu phục hồi nhanh chóng, chuyển từ sắc đỏ phiên buổi sáng sang tím, tăng trần vào cuối phiên.

Cổ phiếu thủy sản lội dòng từ đỏ sang tím

Ngày 1/6, chỉ số VN-Index chốt phiên tăng vọt 6,84 điểm, tương ứng tăng 0,53% lên 1.299,52 điểm.

Sắc xanh đã hiện diện ở nhiều cổ phiếu ngay từ đầu phiên. Càng về sau, đà tăng của nhiều nhóm ngành còn mạnh hơn khi dòng tiền bắt đầu nhập cuộc nhiều hơn.

Thậm chí nhiều cổ phiếu đầu phiên vẫn còn sắc đỏ thì sau đó cũng quay đầu hồi phục và tăng trần vào cuối phiên. Đặc biệt, nhóm ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nên tăng khá cao, trong đó có nhiều mã tăng trần tím lịm như ACL tăng 7% lên 28.450 đồng/cp, ANV tăng 6,8% lên 56.400 đồng/cp, CMX tăng 6,9% lên 20.850 đồng/cp, IDI tăng 6,9% lên 26.200 đồng/cp, VHC tăng 2,9% lên 109.900 đồng/cp.

Các mã khác từ đỏ chuyển sang sắc xanh như ASM tăng 6,1% lên 19.100 đồng/cp, FMC tăng 6,4% lên 66.500 đồng/cp, ABT tăng 2,4% lên 42.000 đồng/cp, BAF tăng 2,8% lên 36.300 đồng/cp.

Trên sàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), danh sách top 10 cổ phiếu tăng mạnh bậc nhất tuần trước đó đã có tới 3 gương mặt ngành thủy sản.

Trong đó, mã ANV của Công ty CP Nam Việt (Navico, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 trên thế giới) ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 24,4%. Hai mã còn lại cùng ngành cũng lọt top 10 danh dự là IDI (Công ty đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia) và ACL (Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang) với mức tăng lần lượt 21,4% và 17%.

Nhiều mã khác thuộc ngành thủy sản cũng nhận được lực mua tốt như VHC (Vĩnh Hoàn), FMC (Thực phẩm Sao Ta), CMX (Camimex Group)...

Đồng loạt đổi từ đỏ sang tím, đích nào cho cổ phiếu thủy sản? - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD

5 tháng xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,5 tỷ USD

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới.

Tại thị trường Trung Quốc, nhờ nhu cầu gia tăng nên vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam bất chấp thách thức trên để xuất khẩu sang thị trường này. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đến cuối tháng 5/2022 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thủy sản.

Năm 2022 được giới phân tích kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn. Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với năm 2021.

Bên cạnh đó, thuế suất ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -Vương quốc Anh (UKVFTA) và các thị trường tiềm năng thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác.

Cùng quan điểm này, trong báo cáo cập nhật ngành thuỷ sản, Chứng khoán BSC cho rằng ngành cá tra tại Việt Nam thường vận động theo chu kỳ, chu kỳ gần nhất 2017 – 2019. Sau khi chịu tác động bởi giai đoạn ngành đi xuống 2019 và hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi cung ứng đứt gãy 2020 – 2021, ngành cá tra bước vào chu kỳ tăng trong năm 2022.

BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với triển vọng ngành Thủy sản nhờ các yếu tố sau: Nhu cầu tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi Covid – 19 và Nguồn cung cá tra từ người dân cần có thời gian để mở rộng.

Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022. BSC cho rằng Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong 2 năm dịch.

Đích nào cho cổ phiếu thủy sản?

Mặc dù đối mặt với nhiều biến động lớn của thế giới, nhưng ngành thủy sản vẫn tăng tốc mạnh mẽ. Điều này khiến kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho các cổ phiếu ngành thủy sản cũng tăng lên.

Theo chuyên gia của Chứng khoán BSC, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.

Đáng chú ý, kể từ giữa tháng 3 năm 2022, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa các thành phố để ngăn chặn việc bùng phát dịch Covid – 19, đồng thời, tăng cường kiểm tra các lô hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc hiện chưa có dấu hiệu sụt giảm như dự đoán trước đó, cho thấy nhu cầu nhập khẩu vẫn cao tại thị trường này.

Một số yếu tố khác hỗ trợ cổ phiếu ngành cá tra, theo BSC, là các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga kỳ vọng sẽ tạo khoảng trống thị trường cho các quốc gia đối thủ. Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến tranh tại Ukraina kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam tại các thị trường Mỹ và EU.

Bên cạnh đó, Mỹ công bố kết quả chính thức của thuế chống bán phá giá kỳ thứ 17 (POR 17). Nhìn chung, kết quả chính thức của kỳ POR 17 không có khác biệt nhiều so với kết quả sơ bộ. Đáng chú ý, trong khi CTCP Vĩnh Hoàn và Vạn Đức Tiền Giang đều đã xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn trước thì CTCP Nam Việt (ANV) là doanh nghiệp mới, chuẩn bị tham gia vào thị trường này. Đại diện ANV cho biết công ty đang chuẩn bị các khâu bán hàng, logistics để có thể bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 8 năm 2022.

Theo tính toán của SSI Research mã VHC kỳ vọng đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 30% so với cùng kỳ (dựa trên giả định giá bán bình quân cá tra philê tăng 10% trong năm 2022) và mã FMC ước tính đạt 49% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng 25% từ việc mở rộng công suất gần đây.



Ong Lý
Cùng chuyên mục