Giá vaccine không rẻ, nhiều người không muốn tiêm vaccine Covid-19 của Nga
Mức giá vaccine không rẻ!
Loại vaccine phát triển tại Nga được đặt tên là Sputnik-V, ám chỉ vệ tinh mà Nga đã phóng vào vũ trụ hồi Chiến Tranh Lạnh, một thành tựu “vượt mặt Mỹ”. Tin tức từ tờ Rambler hôm 11.8 cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cùng ngày đích thân lên tiếng tuyên bố về loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya (SIC) và Viện Nghiên cứu Trung ương 27 (TsNII) thuộc Bộ Quốc phòng Nga hợp tác phát triển. Loại vaccine gồm hai liều, hai mũi tiêm hiện đã được ít nhất 20 quốc gia trên thế giới đặt hàng với số lượng lên tới 1 tỷ liều.
Theo phát biểu của Chủ tịch hội đồng quản trị công ty R-Pharm, ông Alexey Repik trên kênh truyền hình Russia 24, giá xuất khẩu dòng vaccine này thấp nhất sẽ từ 10 USD/ 2 liều. Ông này dự báo giá vaccine sẽ khá đắt, ít nhất là với những lô đầu tiên, và chỉ giảm đi chừng nào khối lượng sản xuất công nghiệp đủ lớn để tạo ra ưu thế giá - tờ RIA Nosvoti dẫn lời ông Alexey Repik.
Phương Tây chào đón vaccine Covid-19 bằng sự hoài nghi
Các chuyên gia chỉ ra rằng Nga chỉ mới tiến hành xong quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn 1 và 2, còn giai đoạn 3 mở rộng mẫu thử nghiệm lên hàng nghìn người mới chỉ được bắt đầu từ ngày 12/8, một ngày sau khi dòng vaccine này được phê duyệt đăng ký. Dù Tổng thống Nga đã đích thân khẳng định về độ hiệu quả, an toàn của loại vaccine và tiết lộ một trong những con gái của ông đã được tiêm, điều này không thể dập tắt hoài nghi từ các nhà quan sát phương Tây.
Tiến sĩ Matthew Schmidt, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị và An ninh Quốc gia của Đại học New Haven nhận định: “Bạn chẳng giành được huy chương Olympic nào dù có đi đầu (trong phát triển vaccine Covid-19). Nhưng gian lận về quá trình thử nghiệm khoa học sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến sự an toàn của vaccine. Mục tiêu khi phát triển vaccine không phải là tạo ra vaccine đầu tiên, mà là mang lại cho người dân một loại vaccine an toàn”.
Nếu loại vaccine của Nga được chứng minh thiếu độ an toàn, nó “thậm chí có thể kích động làn sóng anti-vaccine và làm tăng số lượng người từ chối tiêm chủng tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác” - ông Schmidt cảnh báo.
Hàng loạt công ty công nghệ sinh học trên toàn cầu như Pfizer & BioNTech, Johnson & Johnson, Merck, AstraZeneca & Đại học Oxford, Moderna, Sanofi & GlaxoSmithKline đang làm việc gấp rút để tạo ra một loại vaccine chống Covid-19 hiệu quả - biện pháp duy nhất chống lại đại dịch chết người hiện đã lây nhiễm cho hơn 20 triệu người và giết chết hơn 756.000 người trên thế giới. Nhưng các chuyên gia chỉ ra việc phát triển vaccine là một quá trình dài, trong nhiều trường hợp mất tới hàng chục năm. Ngay cả với nỗ lực lớn nhất, CEO Johnson & Johnson cũng cho hay lộ trình phát triển vaccine Covid-19 sẽ kéo dài hơn 12 tháng.
Jarbas Barbosa, trợ lý Tổ chức Y tế Liên bang Mỹ (thuộc WHO) cho hay đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới WHO vẫn chưa được Nga cung cấp các tài liệu đầy đủ liên quan đến quá trình phát triển vaccine Covid-19 để đưa ra đánh giá. Ông Barbosa nhấn mạnh loại vaccine này đáng lẽ không nên được sản xuất cho đến khi thử nghiệm giai đoạn 3 hoàn tất. “bất kỳ nhà sản xuất vaccine nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này để đảm bảo an toàn đúng như khuyến nghị của WHO”.
Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng của Nga, một cơ quan phi chính phủ, dường như cũng đang lo ngại về độ an toàn của loại vaccine Covid-19 này. Hiệp hội này đã yêu cầu Bộ trưởng Y tế Nga trì hoãn việc đăng ký vaccine cho đến khi tất cả quá trình thử nghiệm hoàn tất. “(Loại vaccine này) thậm chí chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm với 100 người tham gia… để xác định chắc chắn hiệu quả cũng như các phản ứng không mong muốn mà vaccine có thể gây ra ở các nhóm bệnh nhân khác nhau”.
Tính đến nay, Nga báo cáo ít nhất 890.799 trường hợp nhiễm Covid-19 và 14.973 ca tử vong. Nước này đang có kế hoạch bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 10 tới, đối tượng được ưu tiên trước tiên sẽ là nhân viên y tế và giáo viên.
Nhiều người không muốn tiêm vaccine Covid-19 của Nga
Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hôm 12/8 trả lời trên tờ MarketWatch cho hay ông sẽ không tiêm loại vaccine Covid-19 của Nga chừng nào các thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất.
Florian Krammer, giáo sư vi sinh tại Bệnh viện Mount Sinai, New York cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh ông không muốn dùng bất kỳ loại vaccine nào chưa được thử nghiệm kỹ lưỡng về độ an toàn. “Không chắc Nga đang làm gì, nhưng chắc chắn tôi sẽ không dùng một loại vaccine chưa thông qua thử nghiệm giai đoạn 3. Không ai biết nó có hiệu quả và an toàn không. Nga đang đặt tất cả nhân viên y tế và người dân của họ vào tình thế nguy hiểm”.
Tiến sĩ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Dịch bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota thì nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 sẽ không dừng lây lan cho đến khi 50-70% người Mỹ mắc bệnh, và việc tìm ra một loại vaccine an toàn, hiệu quả để đối phó với dịch bệnh là vô cùng quan trọng.