Giá vàng hôm nay 4/3: Giằng co giữa địa chính trị và lạm phát, vàng vẫn vọt tăng mạnh

04/03/2022 08:07 GMT+7
Giá vàng hôm nay 4/3 vọt tăng mạnh bất chấp USD tăng cao sau khi Fed phát tín hiệu tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3. Giá vàng thế giới tiếp tục là cuộc giằng co giữa tình hình địa chính trị nóng bỏng và nguy cơ lạm phát để giữ giá ở mức cao.

Giá vàng thế giới cập nhật lúc 7 giờ 30 sáng nay (4/3) đứng ở mức 1.936,6-1.937,1 USD/ounce (mua vào - bán ra), tăng 8,2 USD so với giá cùng thời điểm này sáng qua, đứng ở mức 1.928,4-1.928,9 USD/unce (mua vào - bán ra). So với giá chốt phiên tối qua, giá vàng tăng vọt 11,1 USD, đứng ở mức 1.947,6 USD/ounce, do nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào dù đồng USD mạnh lên.

Giá vàng hôm nay 4/3: Giằng co giữa địa chính trị và lạm phát, vàng vẫn vọt tăng mạnh  - Ảnh 1.

Giá vàng hôm nay 4/3: Giằng co giữa địa chính trị và lạm phát, vàng vẫn vọt tăng mạnh  - Ảnh 2.

Giá vàng hôm nay 4/3: Giằng co giữa địa chính trị và lạm phát, vàng vẫn vọt tăng mạnh  - Ảnh 3.

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch chiều qua (3/3) do căng thẳng Nga-Ukraine vẫn khiến giới đầu tư lo ngại và tìm đến nơi trú ẩn như vàng.

Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định, vàng chủ yếu được giao dịch nhờ những diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga, nhưng cũng đã bắt đầu nhen nhóm lại mối quan hệ của nó với lợi suất thực tế trước cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 3.

"Kỳ vọng tăng lãi suất đã giảm và thị trường tiếp tục dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 25 điểm phần trăm trong tháng 3", ông Cooper nói thêm.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. Vàng được coi là khoản đầu tư an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng sự gia tăng của lãi suất Mỹ sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, theo đó làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại Tiger Brokers, Australia, cho biết đây là những yếu tố trái chiều, khi khả năng lãi suất tăng rõ ràng gây áp lực lên vàng, nhưng thị trường đang bỏ qua nó vì "điểm nóng" địa chính trị Nga-Ukraine.

Cùng với nhu cầu tài sản an toàn, cuộc tranh chấp giữa Nga - Ukraine có tác động đến thị trường vật chất, khi ngân hàng trung ương Nga khởi động lại hoạt động thu mua vàng.

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm thêm thông tin về việc tăng lãi suất của Mỹ, khi phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell bước sang ngày thứ hai.

Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế, lãi suất tăng của Mỹ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Giá vàng trong nước: Kết thúc phiên giao dịch 3/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: SJC Hà Nội: 66,60 triệu đồng/lượng - 67,37 triệu đồng/lượng. SJC TP.HCM: 66,60 triệu đồng/lượng - 67,35 triệu đồng/lượng. Doji Hà Nội:  65,85 triệu đồng/lượng -  67,35 triệu đồng/lượng. Doji TP.HCM: 65,80 triệu đồng/lượng -  67,30 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 12,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 3/3.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục