Giá vàng hôm nay 1/3: Vàng biến động dữ dội, nín thở chờ đàm phán

01/03/2022 08:43 GMT+7
Giá vàng thế giới hôm nay (1/3) sau khi tăng vọt lại giảm mạnh chỉ trong phiên giao dịch sáng, cập nhật lúc 8 giờ, trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine diễn biến khó lường. Giới đầu tư đang chờ đợi kết quả sau cuộc đàm phán Nga-Ukraine.

Giá vàng thế giới cập nhật lúc 8 giờ sáng nay đứng ở mức 1.905,3-1.905,8 USD/ounce (mua vào - bán ra), giảm 2,1 USD so với giá cùng thời điểm này sáng qua, đứng ở mức 1.907,4-1.907,9 USD/ounce (mua vào - bán ra). So với giá chốt phiên tối qua, giá vàng giảm 4,6 USD, đứng ở mức 1.904,1 USD/oucne do đồng USD mạnh lên và nhà đầu tư đổ xô bán vàng chốt lời.

Giá vàng hôm nay 1/3: Vàng biến động dữ dội, nín thở chờ đàm phán - Ảnh 1.

Giá vàng hôm nay 1/3: Vàng biến động dữ dội, nín thở chờ đàm phán - Ảnh 2.

Giá vàng hôm nay 1/3: Vàng biến động dữ dội, nín thở chờ đàm phán - Ảnh 3.

Trước đó trong phiên giao dịch sáng ngày 1/3, vào lúc 3h56 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,08% lên 1.909,6 USD/ounce, theo Kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 1,23% lên 1.910,8 USD.

Giá vàng đã tăng trở lại trên 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày thứ hai (28/2), sau khi việc phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung và thúc đẩy giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng. Đầu phiên có thời điểm giá tăng tới 2,2%.

Vàng, thường được coi là nơi lưu trữ giá trị trong thời điểm bất ổn chính trị và tài chính, đã tăng khoảng 6,5% trong tháng 2. Kim loại quý đã lên mức cao nhất trong 18 tháng là 1.973,96 USD vào tuần trước.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết, nguy cơ gián đoạn nguồn cung ngày càng tăng, điều này tiếp tục làm tăng giá những sản phẩm như vàng và pladium khi xung đột leo thang.

Ngân hàng Trung ương Nga hôm thứ hai đã ngay lập tức có các biện pháp bảo vệ nền kinh tế khỏi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn tiếp tục được triển khai. Một trong những biện pháp được thực hiện là Moscow sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước.

Theo đó, Nga tuyên bố chấm dứt tình trạng gián đoạn mua vàng trong hai năm do đồng Ruble của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương của Nga đã phải tăng lãi suất chính lên 20%, từ 9,5%. Nga là quốc gia sở hữu vàng lớn thứ 5 trên thế giới, chiếm 20% vàng dự trữ toàn cầu.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng sẽ có một đợt tăng giá đối với các mặt hàng mà Nga là nhà sản xuất chính, trong bối cảnh phương Tây tăng cường các hạn chế chính trị và kinh tế đối với Moscow.

Như vậy, tính đến phiên giao dịch 28/2, vàng đã tăng khoảng 6% trong tháng 2, là mức tăng hằng tháng cao nhất kể từ tháng 5/2021, sau khi giá tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng là 1.973,96 USD vào tuần trước.

Giá vàng trong nước: Kết thúc phiên giao dịch 1/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: SJC Hà Nội: 65,15 triệu đồng/lượng - 65,97 triệu đồng/lượng. SJC TP.HCM: 65,15 triệu đồng/lượng - 65,95 triệu đồng/lượng. Doji Hà Nội:  64,80 triệu đồng/lượng -  65,80 triệu đồng/lượng. Doji TP.HCM: 64,80 triệu đồng/lượng -  65,90 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 11,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 1/3.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục