Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Dầu thô có tuần tăng giá nhọc nhằn

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 30/10/2022 09:29 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Mặc dù khởi đầu tuần không mấy thuận lợi và kết thúc tuần với mức giảm, song giá dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI đều ghi nhận một tuần đi lên. Giá dầu Brent tăng khoảng 2% và WTI tăng khoảng 3%.
Bình luận 0

Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã lấn át những lo ngại về nguồn cung thắt chặt, qua đó khiến giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Hạ nhiệt phiên cuối tuần, nhưng tăng 3% trong tuần qua 

Giá dầu đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 24/10),  trước đà tăng của đồng USD và số liệu không mấy khả quan về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cục hải quan Trung Quốc, trong tháng 9 vừa qua, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đứng ở mức 9,79 triệu thùng/ngày, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước, khi các nhà máy lọc dầu độc lập hạn chế sản lượng do biên lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng đà phục hồi gần đây của nhập khẩu dầu đã chững lại trong tháng 9, khi chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhu cầu.

Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Dầu thô có tuần tăng giá nhọc nhằn - Ảnh 1.

Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Hạ nhiệt phiên cuối tuần, nhưng tăng 3% trong tuần qua.

Giá dầu đảo chiều đi lên trong ba phiên giao dịch liền sau đó, khi đồng USD yếu đi và những lo ngại về nguồn cung bắt đầu dấy lên trở lại do nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng các kho dự trữ năng lượng đang được sử dụng như một cơ chế để thao túng thị trường. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo việc nguồn cung thắt chặt trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thế giới, cùng quyết định cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu lớn đã đặt thế giới vào "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên".

Các bình luận trên là lời nhắc nhở rằng cuộc khủng hoảng năng lượng còn lâu mới kết thúc. Vẫn có những lo ngại rằng thị trường không có đủ nguồn cung và qua đó giúp nâng đỡ giá dầu, cho dù diễn biến kinh tế không ổn định ở Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã hạn chế đà tăng đó.

Bên cạnh đó, sự yếu đi của đồng USD cũng hỗ trợ giá “vàng đen” đi lên, giữa bối cảnh đà tăng của “đồng bạc xanh” thời gian gần đây sau các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã trở thành "cơn gió ngược" đối với thị trường dầu.

Các chuyên gia dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt trong những tháng tới khi chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2022 và các lệnh trừng phạt mới của EU đối với dầu Nga sẽ được thực thi vào tháng 12/2022.

Còn theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan, cho đến năm 2024, khả năng vận chuyển của các tàu chở dầu Nga sẽ trở thành nhân tố chi phối giá dầu thay vì các yếu tố cơ bản về cung-cầu.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/10, giá dầu quay đầu giảm khoảng 1% sau khi quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu là Trung Quốc tăng cường hoạt động phong tỏa do đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc lùi 1,19 USD (tương đương 1,2%) xuống 95,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI mất 1,18 USD (tương đương 1,3%), xuống còn 87,9  USD/thùng. Giá xăng tại Mỹ cũng hạ 3% trong phiên này, còn giá dầu diesel tại Mỹ lại tăng 5% lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2022.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tiến 2% và giá dầu WTI cộng 3%.

Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Dầu thô có tuần tăng giá nhọc nhằn - Ảnh 2.

Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Dầu thô có tuần tăng giá nhọc nhằn.

Các chuyên gia nhận định, giá dầu sẽ còn diễn biến phức tạp. Tuần trước, nhà máy lọc dầu tư nhân lớn Zhejiang Petrochemical Corp đã nhận được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bổ sung 10 triệu tấn cho năm 2022 và nhà máy lọc dầu của nhà nước ChemChina nhận thêm hạn ngạch 4,28 triệu tấn. Tổng mức hạn ngạch nhận thêm này tương đương với 104 triệu thùng.

Mới nhất, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu năng lượng quốc doanh của nước này gồm PetroChina, Sinopec và CNOOC ngừng việc bán lại LNG cho khách hàng nước ngoài, để đảm bảo nguồn cung cho mùa Đông.

Thông tin này đã làm gia tăng lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chắt hơn, đặc biệt khi các lệnh cấm vận, trừng phạt đối với dầu thô Nga của EU, G7 đến gần, qua đó hỗ trợ giá dầu đi lên.

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới. Theo tính toán, nguồn cung từ OPEC+ sẽ bị cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Giá dầu có thể tiếp tục được củng cố khi thị trường ghi nhận thông tin tăng trưởng kinh tế quý III/2022 của Trung Quốc vượt dự báo. GDP quý III của Trung Quốc đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn so với ước tính 3,3% của các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát. Con số này tốt hơn nhiều so với mức tăng 0,4% ghi nhận trong quý II, thời kỳ Thượng Hải bị phong tỏa để chống dịch Covid.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng 9 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 4,2% trong tháng 8. Mức tăng này cũng vượt dự báo 4,8% của các nhà kinh tế. Đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm tăng 5,9%.

Mặc dù vậy, giá dầu vẫn có thể bị đe dọa khi thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19. Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết một số thành phố của nước này sẽ phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, phong toả các toà nhà và khoá cửa các quận khi ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid mới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ở mức 3,2% trong năm 2022, thấp hơn rất nhiều con số tăng trưởng 8,1% của năm 2021.

Ngày 26/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định giá năng lượng sẽ giảm 11% trong năm 2023, sau khi đã tăng tới 60% trong năm 2022.

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu giảm còn do lo ngại làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, sẽ tạo thêm áp lực, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, ngày 21/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/10.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/10, mỗi lít xăng RON 95 tăng 337 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 204 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 596 đồng/lít.

Theo đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel ở mức 0 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg. Đồng thời không thực hiện chi Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.

Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Dầu thô có tuần tăng giá nhọc nhằn - Ảnh 3.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/10, mỗi lít xăng RON 95 tăng 337 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 204 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 596 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 30/10 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.496 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.344 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 24.783 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.663 đồng/lít. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán không cao hơn 13.899 đồng/kg và giảm 195 đồng/lít. 

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19/10 của xăng RON 92 là 89,26 USD/thùng, RON 95 là 92,75 USD/thùng. Còn dầu diesel mức giá 130,10 USD/thùng; dầu hỏa là 121,38 USD/thùng, dầu mazut là 383,32 USD/tấn.

Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành gần đây có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa, giảm nhẹ với xăng RON 92 và dầu mazút.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 11/10 ngày 21/10 là giá xăng RON 95 là 94,830 USD/thùng, tăng 0,595 USD/thùng, tương đương tăng 0,631% so với kỳ trước. Giá dầu hỏa 24,951 USD/thùng, tăng 3,403 USD/thùng, tương đương tăng 2,799% so với kỳ trước. Giá dầu diezen là 134,338 USD/thùng, tăng 0,534 USD/thùng, tương đương tăng 0,399% so với kỳ trước. Giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,299 USD/thùng, giảm 0,01 USD/thùng, tương đương giảm 0,01% so với kỳ trước. Giá dầu mazút là 389,054 USD/tấn, giảm 12,758 USD/tấn tương đương giảm 3,175 USD/tấn so với kỳ trước.

Với lần điều chỉnh này, giá xăng đã tăng hai lần liên tiếp sau 4 lần giảm giá. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm, và một lần giữ nguyên.

Được biết, trong văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ngày 28/10, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chi phí, Cục Quản lý giá đã kiểm tra, rà soát và điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức từ ngày 11/7/2022. Tuy nhiên chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở hiện nay đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân của toàn Tập đoàn năm 2021 đã được kiểm toán từ 184 - 598 đồng/lít, tương ứng 13-39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và 33 đồng/lít tương ứng 6% đối với giá bán buôn mặt hàng mazut.

Tập đoàn này cho rằng: Việc chi phí định mức kết cấu trong giá cơ sở thấp hơn quá nhiều so với chi phí thực tế năm 2021 đã được kiểm toán (là năm chi phí thấp nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Tập đoàn không thể triển khai các kế hoạch về nhận diện thương hiệu, đào tạo, truyền thông…) đã dẫn đến khó khăn đối với Petrolimex trong năm 2022.

Trong nước, đại biểu Quốc hội đã đề nghị tăng cường nguồn lực cho việc dự trữ xăng dầu, xây dựng các kho trữ xăng dầu quốc gia, bảo đảm trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian dài, nâng khả năng đối phó với các diễn biến lớn từ nguồn cung và giá thế giới. Theo Bộ Công Thương, hiện dự trữ xăng dầu quốc gia của Việt Nam chỉ được khoảng 5 - 7 ngày, còn khá mỏng so với mức 90 ngày của các quốc gia như Nhật Bản, Úc, Mỹ... Bộ cho biết sẽ đề xuất cơ chế tách bạch được dự trữ quốc gia bằng những tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ doanh nghiệp bằng những kho của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền xem xét việc thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ và nâng mức dự trữ để tránh khi bất trắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem