Giá xăng tăng cao, vận tải hành khách, taxi 'gồng gánh' nhiều loại chi phí

Thế Anh Thứ tư, ngày 23/02/2022 06:37 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu tăng cao tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải hành khách, vận tải taxi khi các doanh nghiệp đang phải gồng gánh nhiều loại chi phí hoạt động, nhưng giá cước không tăng.
Bình luận 0

Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/2, giá xăng E5RON92 đã đạt mức 25.532 đồng/lít (tăng 961 đồng/lít). Trong khi đó, giá xăng RON95-III không cao hơn 26.287 đồng/lít (tăng 965 đồng/lít), đây là mức cao nhất trong 8 năm qua khiến thị trường chưa thể hạ nhiệt, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải "khóc" vì lỗ nặng.

Việc giá xăng tăng cao nhất làm cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu cũng đang phải "gồng" lên để kinh doanh khi giá nhập bằng giá bán, chiết khấu 0 đồng trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên…

Ngoài ra, giá xăng dầu cũng tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải hành khách, vận tải taxi khi phải gồng gánh nhiều loại chi phí hoạt động, nhưng trái ngược với đó là thị trường hành khách lại giảm sút nghiêm trọng khiến cho các doanh nghiệp rơi vào cảnh "lao đao".

Giá xăng tăng cao tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải - Ảnh 1.

Nhà xe Tuấn Anh đang hoạt động trước những khó khăn của giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: A.T

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Tuấn, đại diện đơn vị vận tải Anh Tuấn đang chạy tuyến Nam Định - Hà Nội cho biết: "Giá xăng dầu tăng cao khiến cho mọi hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề. Khi giá xăng dầu chưa tăng chúng tôi đã phải bù lỗ để duy trì hoạt động, có những chuyến xe không có khách chiều đi, chiều về có lác đác vài khách thì nhà xe lỗ nặng".

Theo anh Tuấn, doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn chồng chất khó khăn, bởi thị trường hành khách vẫn rất ít do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nếu tăng cước thì sẽ không có khách, trong khi giá nhiên liệu tăng gấp 2 lần.

Về giải pháp khắc phục khó khăn, anh Tuấn cho hay: "Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi cũng phải tính toán với việc tăng giá cước vận tải để bù vào giá xăng dầu và các chi phí hoạt động khác. Tuy nhiên, lượng khách đi xe khách vẫn còn ở mức khiêm tốn thì việc tăng giá vé cũng không có tác dụng mà có thể sẽ có rủi ro vì khách sẽ tính đến phương tiện khác".

Giá xăng tăng cao tác động tiêu cực tới hoạt động vận tải - Ảnh 2.

Xe luồng xanh chở hàng hoá ra vào bến xe Nước Ngầm trong thời điểm TP.Hà Nội giãn cách xã hội. Ảnh: Thế Anh

Cũng giống như nỗi lo của anh Tuấn, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện một hãng taxi cho biết: "Bản thân hãng đang bị ảnh hưởng nặng nề từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đi taxi giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 35-40% so với thời điểm trước dịch. Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến đơn vị đã "khó lại chồng khó".

Về hoạt động vận tải tại các bến xe trên địa bàn TP.Hà Nội, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay: "Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách thông qua bến xe Nước Ngầm vẫn chưa phục hồi 100%, các nhà xe vẫn đang hoạt động ở mức tương đối. Lượng khách tới bến đi xe cũng chưa cao".

"Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao, nhưng giá vé xe khách vẫn đang được các nhà xe duy trì giữ nguyên giá cước so với trước đây. Các nhà xe cũng chưa có phương án điều chỉnh giá vào thời điểm hiện tại do nhu cầu vận chuyển của người dân thấp", ông Lam cho biết.

Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 của Chính phủ. Để quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Thời gian qua, công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả đã giúp công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng, giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá.

Năm 2021, Quỹ Bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, qua đó góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính khẳng định, qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực . Theo số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem