Giá xuất khẩu hạt điều đang ngày một giảm
Xuất khẩu hạt điều tiếp tục khó khăn trong năm 2023
Năm 2022, ngành điều Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các chủng loại hạt điều W320, W240, WS/WB, W180, LP, W450. Trong đó, xuất khẩu hạt điều W320 chiếm 40,97% tổng lượng và chiếm 44,95% tổng trị giá toàn ngành. Năm 2022, xuất khẩu hạt điều W320 giảm 10,3% về lượng và giảm 17,2% về trị giá so với năm 2021, qua đó đã ảnh hưởng đến mức giảm của toàn ngành. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W320 trong năm 2022 đạt mức 6.516 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.
Xuất khẩu hạt điều W240 trong năm 2022 đạt 75,66 nghìn tấn, trị giá 519,1 triệu USD, giảm 11,8% về lượng và giảm 20,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W240 trong năm 2022 đạt mức 6.861 USD/tấn, giảm 10,1% so với năm 2021.
Ngược lại, xuất khẩu hạt điều W180 tăng khá mạnh. Thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt điều W180 trong năm 2022 đạt 27,1 nghìn tấn, trị giá 189,4 triệu USD, tăng 47,2% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với năm 2021. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hạt điều W180 chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Ixrael, Ai Cập, Iraq, Hoa Kỳ.
Điểm sáng duy nhất là thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu, nhập khẩu hạt điều của EU trong 10 tháng năm 2022 đạt trên 174 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ EUR (tương đương 1,25 tỷ USD), giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá: 10 tháng năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của EU đạt mức 6.614 EUR/tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của EU tăng từ hầu hết các nguồn cung, ngoại trừ Đức.
Cơ cấu nguồn cung: 10 tháng năm 2022, EU nhập khẩu hạt điều từ thị trường ngoại khối EU đạt 129,2 nghìn tấn, trị giá 842,95 triệu EUR (tương đương 915,95 triệu USD), giảm 1,3% về lượng, nhưng tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho EU, lượng nhập khẩu đạt 98,97 nghìn tấn, trị giá 643,91 triệu EUR (tương đương 699,68 triệu USD), giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng nhẹ từ 56,36% trong 10 tháng năm 2021 lên 56,85% trong 10 tháng năm 2022.
Tương tự, EU giảm nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Ấn Độ, Brazil, Burkina Faso, mức giảm lần lượt 8,9%, 12,7% và 1,6% về lượng trong 10 tháng năm 2022.
Đáng chú ý, 10 tháng năm 2022, EU tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà, tăng 57,2% về lượng và tăng 107,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 10,14 nghìn tấn, trị giá 61,54 triệu EUR (tương đương 66,87 triệu USD). Thị phần hạt điều của Bờ Biển Ngà trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 3,59% trong 10 tháng năm 2021 lên 5,83% trong 10 tháng năm 2022.
Trong khi xuất khẩu và giá xuất khẩu hạt điều giảm, Việt Nam đã chi 1 tỷ USD để nhập khẩu hạt điều từ Campuchia.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia dẫn báo cáo của Hiệp hội hạt điều Campuchia cho biết năm 2022, nước này đã xuất khẩu 670.000 tấn hạt điều thô ra thị trường quốc tế trị giá 1,07 tỉ USD vào năm 2022, giảm 34,65%. Đáng chú ý là có tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia được bán sang Việt Nam, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD.
Điều thô Campuchia cũng là một trong những nguồn cung chính của ngành chế biến hạt điều Việt Nam.
Báo cáo cũng cho biết năm vừa qua Campuchia đã ban hành chính sách quốc gia về hạt điều với các mục tiêu: Nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng hạt điều để nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy công nghiệp hóa để tăng giá trị sau thu hoạch và chế biến điều lên 25% vào năm 2027 và thúc đẩy xuất khẩu thông qua đa dạng hóa thị trường.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn nguyên liệu điều, với đơn giá bình quân 1.400 USD/tấn; tổng cộng các doanh nghiệp điều đã chi ra khoảng 2,66 tỷ USD để nhập nguyên liệu.
Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về sản lượng nhập khẩu điều thô trên toàn thế giới. Nguồn cung hạt điều cho Việt Nam chủ yếu là: Campuchia và các nước châu Phi (Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Tanzania,…).
Hiện nay, diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Do đó, Vinacas đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích trong nước, Vinacas đề nghị giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào.
Được biết, Hiệp hội Hạt điều Việt Nam (VINACAS) đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2022. Theo VINACAS, năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn từ tình hình kinh tế - chính trị quốc tế; vấn đề lạm phát, suy thoái; chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến ngày càng tăng, sản xuất đình trệ...
Như vậy, tình hình xuất khẩu năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sau khi bàn bạc và cân nhắc, Ban chấp hành VINACAS đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân năm 2023 ở mức khiêm tốn khoảng 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.