Giá xuất khẩu bình quân hạt điều Việt Nam ở mức thấp kỷ lục, vị thế số 1 tại Hoa Kỳ bị lung lay
Xuất khẩu hạt điều tăng trưởng nhưng giá liên tiếp giảm
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 11/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 47,86 nghìn tấn, trị giá 271,67 triệu USD, tăng 8,0% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 giảm 5,4% về lượng và giảm 17,5% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 472,33 nghìn tấn, trị giá 2,81 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá: Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.676 USD/tấn, giảm 7,2% so với tháng 10/2022 và giảm 12,7% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.959 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Tháng 11/2022 so với tháng 11/2021, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Trong 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ixrael.
Về chủng loại: Tháng 11/2022, xuất khẩu các chủng loại hạt điều W320, WS/WB, LP, W450, W210 giảm so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều W180, DW, SP tăng trưởng khả quan. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt điều W320, W240, W450, DW giảm so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều W180, WS/WB, SP, W210 tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Điều đáng chú ý là xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng đang có xu hướng giảm, làm lung lay vị thế số 1 của hạt điều Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt điều đạt 127 nghìn tấn hạt điều, trị giá 806,92 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá 10 tháng năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Hoa Kỳ đạt mức 6.354 USD/tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Hoa Kỳ từ hầu hết các nguồn cung chính giảm, ngoại trừ Nigieria.
Cơ cấu nguồn cung 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt điều từ các nguồn cung Việt Nam, Brazil và Ấn Độ, nhưng tăng nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà và Nigieria. Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Hoa Kỳ, lượng đạt 113,11 nghìn tấn, trị giá 715,14 triệu USD trong 10 tháng năm 2022, nhưng đã giảm 17,2% về lượng và giảm 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm nhẹ từ 89,22% trong 10 tháng năm 2021 xuống 89,06% trong 10 tháng năm 2022.
Ngược lại, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà trong 10 tháng năm 2022, mức tăng 46,6% về lượng và tăng 40% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Bờ Biển Ngà trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 2,54% trong 10 tháng năm 2021 lên 4,48% trong 10 tháng năm 2022.
Qua số liệu phân tích trên có thể thấy, Hoa Kỳ có xu hướng dịch chuyển nguồn cung cấp hạt điều sang các nước Bờ Biển Ngà, Nigieria. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, các nguồn cung này chưa thể thay thế nguồn cung hạt điều từ Việt Nam.
Được biết, trên thị trường hạt điều thế giới, thông tin từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết, tháng 12/2022, giá hạt điều thô thế giới xuất khẩu vẫn ổn định so với tháng 11/2022. Tại Benanh, Bờ Biển Ngà, Gana, Nigieria, Tazania, giá hạt điều thô xuất khẩu đều ổn định ở mức 1.025 USD/tấn.
Theo Eurostat, 9 tháng đầu năm 2022, Liên minh châu Âu nhập khẩu hạt điều từ thị trường thế giới đạt 155,31 nghìn tấn, trị giá 1,027 tỷ EUR, giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, EU nhập khẩu hạt điều từ thị trường ngoại khối đạt xấp xỉ 115,68 nghìn tấn, trị giá 753 triệu EUR, giảm 1,1% về lượng, nhưng tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; từ thị trường nội khối EU đạt 39,63 nghìn tấn, trị giá 273,98 triệu EUR, giảm 9,7% về lượng và giảm 5,5% về trị giá.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, 10 tháng năm 2022, Canada nhập khẩu hạt điều từ thế giới đạt 12,77 nghìn tấn, trị giá 88,3 triệu USD, tăng 0,6% về lượng, nhưng giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, thị trường có xu hướng nhập khẩu tăng với sản phẩm hạt điều chế biến (HS 200819), với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2018-2021 lên đến 51% và gần 15% trong 9 tháng đầu năm 2022. Sự sụt giảm nhập khẩu hạt điều thô và tăng nhập khẩu điều chế biến cho thấy, yếu tố lạm phát không tác động nhiều đến nhu cầu tiêu dùng của người sở tại.
Với chất lượng tốt, các doanh nghiệp Canada vẫn ưu tiên mua điều nguyên liệu và điều chế biến từ Việt Nam dù giá cao hơn. Vì vậy, cho dù thị trường Canada không ổn định về nhu cầu (biến động nhiều qua các năm), dự báo, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vào Canada sẽ ổn định quanh mức 115-120 triệu USD/năm cho cả điều nguyên liệu và điều chế biến.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong 10 tháng năm 2022, Canada nhập khẩu hạt điều (HS 080132) từ Việt Nam đạt 11,15 nghìn tấn, trị giá 77,28 triệu USD. Người tiêu dùng Canada quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ và các chứng chỉ xác nhận quy trình sản xuất xanh, bền vững, và công bằng (bình đẳng giới) của doanh nghiệp.
Ngoài ra, người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến cách thức đóng gói và bảo quản (hút chân không, bao bì có khả năng tái chế). Thị trường Canada yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm tỷ lệ tạp chất, vết sâu bệnh trên bề mặt hạt, độ đồng nhất của sản phẩm về mùi vị và màu sắc). Vấn đề dư lượng chất bảo quản cũng là việc cần lưu ý để tránh hàng bị trả lại không được thông quan.
Trước đó, ngành điều đã đề nghị hạ mục tiêu xuất khẩu cả năm nay xuống 3,2 tỷ USD thay vì 3,8 tỷ USD như đặt ra ban đầu do thị trường khó khăn. Vinacas đã phải đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật, hướng dẫn thực hiện quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ…
Vinacas còn kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng; đánh giá, quy hoạch ổn định lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích điều trong nước, cần có giải pháp hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu...