Xuất khẩu hạt điều, thức ăn gia súc của Việt Nam sang Ấn Độ sụt giảm mạnh

21/09/2022 14:40 GMT+7
Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự tăng trưởng ở hầu hết các nhóm hàng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ sự suy giảm ở một số nhóm hàng: Hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, than, sắt thép.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ tăng trưởng ở hầu hết các nhóm hàng

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong tháng 8/2022 đạt 1,295 tỷ USD, tăng 9,2% so với tháng 08/2021. Trong đó, Việt Nam xuất sang Ấn Độ trị giá 756 triệu USD, tăng 37,1%; Ấn Độ xuất sang Việt Nam trị giá 538,8 triệu USD, giảm 15,04%. Tính lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 10,27 tỷ USD, tăng 18,7% sới 8 tháng đầu năm 2021, trong đó Việt Nam xuất sang Ấn Độ đạt 5,48 tỷ USD, tăng 38,62%; Ấn Độ xuất sang Việt Nam trị giá 4,79 tỷ USD, tăng 1,96%; thặng dư thương mại 688,77 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam.

Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 8. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với giá trị xuất khẩu 141 triệu USD (chiếm tỷ trọng 18,65% trong cơ cấu xuất khẩu), tăng 41,74% so với cùng kỳ. Thứ hai là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị xuất khẩu 125,13 triệu USD, tăng 43,07%. Thứ ba là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với giá trị xuất khẩu 101 triệu USD, tăng 22,94%. Tiếp theo là hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất 45,2 triệu USD; cao su 26 triệu USD. Nhóm hàng nông sản có sự tăng giảm khác nhau so với tháng 8/2021: Hạt điều đạt kim ngạch 1,629 triệu USD, giảm 46,59%; café đạt kim ngạch 4,695 triệu USD, tăng 98,18%; Hạt tiêu đạt kim ngạch 3,123 triệu USD, tăng 50,6%.

Xét cơ cấu mặt hàng chính nhập khẩu từ Ấn Độ trong tháng 8. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là sắt thép các loại đạt kim ngạch 50,618 triệu USD, giảm 69,62% so với cùng kỳ. Thứ hai là hàng thủy sản, đạt kim ngạch 50,574 triệu USD, tăng 25,4%. Thứ ba là kim loại thường khác đạt kim ngạch 44,368 triệu USD, tăng 8,26%. Tiếp theo là đá quý, kim loại quý đạt kim ngạch 36,554 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt kim ngạch 36,025 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2022 giảm 15,04% so với cùng kỳ là do nhiều nhóm hàng sau có kim ngạch nhập khẩu giảm: sắt thép các loại; quặng và khoáng sản; dược phẩm; thuốc trừ sâu và nguyên liệu; chất dẻo nguyên liệu; giấy; bông, sơ, sợi; máy móc thiết bị phụ tùng, linh kiện ô tô.

Xét cơ cấu mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong cả 8 tháng đầu năm 2022. Nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là điện thoại và các linh kiện với giá trị 1,116 tỷ USD, tỷ trọng 10,87%, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị xuất khẩu 684,5 triệu USD, tăng trưởng 24,7%. Thứ ba là nhóm hàng máy móc thiết bị phụ tùng với giá trị xuất khẩu 513,877 triệu USD, tăng 22,7%. Tiếp theo lần lượt là kim loại thường khác (445,94 triệu USD, tăng 83,5%); nhóm hàng hóa chất (427,768 triệu USD, tăng 62,1%); nhóm chất dẻo nguyên liệu (168,86 triệu USD, tăng 15%);… Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự tăng trưởng ở hầu hết các nhóm hàng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ sự suy giảm ở một số nhóm hàng: Hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, than, sắt thép.

Xuất khẩu hạt điều, thức ăn gia súc của Việt Nam sang Ấn Độ sụt giảm mạnh - Ảnh 1.

Về phía nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm 2022, đứng đầu danh sách là nhóm hàng sắt thép các loại với giá trị xuất khẩu 483 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,08%, giảm 35,68% so với cùng kỳ năm 2021. Thứ hai là nhóm hàng kim loại thường khác với giá trị 389,43 triệu USD, tăng 42,7%. Thứ ba là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với giá trị nhập khẩu 369,6 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các nhóm hàng đá quý, kim loại quý (282,2 triệu USD, tăng 77,2%); nhóm hàng thủy sản (250 triệu USD, tăng 9,6%); ngô (223,57 triệu USD, giảm 26,91%; hóa chất (218,64 triệu USD, tăng 56,2%); bông (206,97 triệu USD, giảm 9,05%).

Kiến nghị doanh nghiệp đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng gạo chưa xuất khẩu

Trước đó, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ đã ban hành thông báo số 31/2015-2020, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken - rice), mã HS 1006 40 00, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022. 

Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: (i) Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; (ii) Hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; (iii) Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống. 

Bên cạnh đó, ngày 8/9/2022, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo số 49/2022-Customs về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: Thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2022. 

Xuất khẩu hạt điều, thức ăn gia súc của Việt Nam sang Ấn Độ sụt giảm mạnh - Ảnh 2.

Một số nhà xuất khẩu cho rằng, quyết định của Chính phủ là quá bất ngờ, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Người mua không thể trả thêm 20% giá lô hàng và người bán cũng không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu. Ông V.K Rao, chủ tịch hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết “Động thái của chính phủ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 đô la Mỹ một tấn từ mức 350 đô la Mỹ hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ miễn thuế đối với khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa được vận chuyển. 

Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433 nghìn tấn năm 2021). 

Trong năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. 

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể giảm 25% trong năm 2022 do các hạn chế của chính phủ buộc người mua phải chuyển sang các nhà cung cấp nước ngoài với giá rẻ hơn. 

Trong 5 tháng đầu năm tài chính 2022-2023, xuất khẩu gạo đã tăng lên 9,36 triệu tấn từ 8,36 triệu tấn trong cùng kỳ năm trước. Các lô hàng gạo đạt kỷ lục 21,2 triệu tấn trong năm tài chính 2021-22, nhiều hơn tổng các lô hàng của bốn nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn từ các nước xuất khẩu khác trên thế giới, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ. 

Mức thuế tăng khiến xuất khẩu sẽ giảm ít nhất 5 triệu tấn, và dự kiến xuất khẩu gạo trong năm 2022 đạt khoảng 16,2 triệu tấn. Do quyết định của chính phủ Ấn Độ, một số nhà xuất khẩu có thể chuyển sang mua gạo đồ hiện chưa bị áp thuế xuất khẩu.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục