Giải “bài toán” an ninh lương thực trong đại dịch Covid-19
Không quốc gia nào có thể đứng ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực
Trong chuyến công du mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên Hợp Quốc do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chủ trì.
Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp bảo đảm an ninh lương thực trước bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang tích hợp đa giá trị bao gồm các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan môi trường; bảo đảm phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp và thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bảo đảm cung ứng lương thực, giảm thất thoát và lãng phí trong lương thực; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học.
Cùng với đó, Chủ tịch nước cho rằng các quốc gia cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch nước nêu rõ đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp vừa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân.
Nhận định về nội dung trên, trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định, kinh tế nông nghiệp trong đó có sự đóng góp của những người nông dân, ngư dân, diêm dân… đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đảm bảo một cách vững chắc nguồn cung lương thực thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và cung cấp hàng hóa cho xuất khẩu.
Khắc phục hạn chế của ngành nông nghiệp như thế nào?
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của vị chuyên gia, sự phát triển trong mấy chục năm qua của ngành chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có về phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản mà Việt Nam có điều kiện tự nhiên, nhân lực phát triển hơn so với các nước khác trên thế giới.
Theo đó, ông Phú cho rằng, điểm tồn tại lớn nhất đó là sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ, sản lượng sản phẩm làm ra hàng chục triệu tấn/năm song chất lượng lại không đồng đều, kỉ luật sản xuất chưa chặt chẽ, an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề phải khắc phục.
"Ngoài ra, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, năng lực cạnh tranh chủ yếu dựa vào tiền nhân công thấp và giá rẻ. Một số số liệu dẫn chứng cho thấy năng suất ngành nông nghiệp chỉ bằng 38.9% năng suất chung của cả nền kinh tế, 30,4% của ngành công nghiệp và 37,7% của các ngành dịch vụ", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.
Mặt khác, các sản phẩm được sản xuất ra mang tính tự phát, không theo tín hiệu của thị trường, luôn luôn bị ép cấp ép giá của một bộ phận thương lái không đúng mức. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hoạt động sản xuất còn theo kiểu phong trào, các sản phẩm không có kho dự trữ chiến lược để chờ giá tốt mới bán.
"Lợi nhuận bình quân thu được của người sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ, không tương xứng với công sức bỏ ra, khâu trung gian và phân phối bán lẻ hưởng lợi nhuận cao nhất 1 cách vô lý.
Đây là 1 thực tế diễn ra ai cũng biết song chưa thấy nhiều tiếng nói bảo vệ của các cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất và thương mại. Thậm chí một lãnh đạo Bộ Công Thương còn nói: "Đây là cơ chế thị trường, chúng tôi không can thiệp được". Rõ ràng các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường nội địa đã bị buông lỏng trong việc quản lý các mối quan hệ giao dịch mua bán có liên quan đến giá, điều đó đang làm thiệt hại cả người sản xuất và người tiêu dùng xã hội. Nếu nói không chia sẻ là thiếu trách nhiệm với ngành nông nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam. Những tồn tại chủ quan và khách quan đã nêu trên cho ta thấy: Việc khắc phục những vấn đề yếu kém là một tất yếu khách quan để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam ở một tầm cao mới, xứng đáng vai trò và vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định.
Nói về hướng giải pháp, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, trước hết, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta phải đi trước một bước. Trên cơ sở lợi thế của từng vùng để xác định những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có tiềm năng phát triển.
Tiếp theo là hàng loạt các chính sách giúp cho các địa phương phát triển sản xuất bao gồm: Chính sách về tích tụ ruộng đất, vốn sản xuất kinh doanh, các chính sách ưu đãi khác cho ngành, chính sách bảo hiểm, rủi ro. Đặc biệt là những vấn đề như: Biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, …
"Đi theo đó là những chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất thương mại và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương trên nguyên tắc đảm bảo cả đầu vào và đầu ra cho việc sản xuất, thu hoạch, dự trữ, chế biến sâu và tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.
Các điều kiện về cơ sở hạ tầng nông nghiệp như: Kho dự trữ chuyên dùng cho các sản phẩm thủy hải sản, nông sản. Đường giao thông nội bộ và nội vùng, các cảng biển, cảng sông, các hệ thống chợ đầu mối vùng vừa để giao dịch một cách công khai minh bạch, vừa quản lý chất lượng hàng hóa trước khi đưa đi tiêu thụ ở khâu bán kẻ hoặc xuất khẩu, có thể kết hợp chợ đầu mối là 1 địa điểm du lịch của vùng kinh tế", Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần thực hiện việc nâng cao trình độ và thu hút các nguồn nhân lực vào các vùng sản xuất lớn, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiện sản phẩm vùng, ví dụ như các sản phẩm OCOP đang phát triển.
Hàng hóa sản xuất ra phải có 1 hệ thống phân phối đủ mạnh bao gồm 1 số tập đoàn bán lẻ Việt, đủ sức bao tiêu hàng hóa, mở rộng cửa đón sản phẩm Việt và các hàng hóa nhập khẩu khác để tiêu thụ.
Hình thành các chuỗi sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán ra, lợi nhuận được hài hòa trước hết là lợi nhuận của người sản xuất để phục vụ tiêu dùng xã hội một cách hiệu quả và tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đi đôi với sản xuất và phân phối cần tổ chức tốt các lực lương chức năng để kiểm soát thị trường, chống làm ăn phi pháp như buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, … nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm những vi phạm trên nguyên tắc phải đủ sức răn đe, hàng lậu hàng giả, ngăn chặn từ biên giới, từ nơi sản xuất là chính, kiểm soát ở nội địa chỉ là bổ sung.
"Tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Những kết quả sản xuất của người nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp, nông nghiệp chỉ có ý nghĩ trọn vẹn khi lợi nhuận người sản xuất được phân phối một cách hợp lý, đời sống của họ ngày càng được nâng cao.
Thực hiện được những giải pháp ở trên chắc chắn trong những năm tới, ngành nông nghiệp và người nông dân Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Từ 10 đến 20 năm nữa, Việt Nam chắc chắn sẽ là một cường quốc về nông nghiệp ở khu vực châu Á và thế giới, tôi rất tin tưởng về tương lai vô cùng sáng sủa của nền nông nghiệp nước nhà", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dự báo.