Giải cơn khát vốn, ngân hàng ồ ạt ‘in giấy vay tiền’

05/05/2020 14:56 GMT+7
Áp lực gia tăng vốn huy động trung - dài hạn và tăng nền tảng vốn cấp 2 khiến nhiều nhà băng đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Chỉ tính riêng trong tháng 4, hàng loạt ngân hàng đã phát hành lượng trái phiếu lớn, trong đó những cái tên như BIDV, Vietinbank, HDBank, MSB… “in giấy vay tiền” với giá trị lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng 'in giấy vay tiền'

HĐQT VietinBank (HoSE: CTG) vừa ban Nghị quyết về việc phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2020 với số lượng khủng: 10.000 tỷ đồng, được chia làm 2 đợt. Trong đó, có 5.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 5.000 trái phiếu kỳ hạn 8 năm. Thời điểm phát hành là quý 2 đến quý 4/2020 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Thời gian phân phối trái phiếu dự kiến tối thiểu 20 ngày, tối đa 90 ngày theo quy định pháp luật.

Dự kiến, đợt 1 sẽ diễn ra trong quý 2 hoặc quý 3/2020, khối lượng phát hành theo mệnh giá là 3.500 tỷ đồng trái phiếu 8 năm và 3.500 tỷ đồng trái phiếu 10 năm, tổng trị giá 7.000 tỷ đồng. Đợt hai sẽ diễn ra trong quý 3 hoặc quý 4/2020 với khối lượng còn lại.

Trước đó, ngày 27/4, HĐQT VietinBank cũng đã ban hành Nghị quyết về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu đợt 1 năm 2020 để tăng vốn số lượng 50 tỷ đồng với kỳ hạn 15 năm. Loại trái phiếu phát hành đợt này là trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản, thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng. Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +1,2%/năm. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 5/2020.

Giải cơn khát vốn, ngân hàng ồ ạt ‘in giấy vay tiền’ - Ảnh 1.

Các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu

Một ngân hàng khác là BIDV cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Chỉ trong 10 ngày cuối tháng 4, với 2 đợt chào bán, BIDV đã phát hành thành công gần 6.000 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn. Cụ thể, từ ngày 27-29/4, BIDV đã phát hành riêng lẻ thành công 3.702 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn. Trong đó có 3.702 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 8 năm với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +0,6-1,25%/năm.

Trong thời gian từ 20-23/4, BIDV đã phát hành thành công 2.202 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn. Cụ thể, BIDV phát hành thành công 1.482 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm, 472 tỷ đồng trái phiếu 7 năm, 232 tỷ đồng trái phiếu 8 năm và 16 tỷ đồng trái phiếu 10 năm với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +0,6-1,2%/năm.

Trước BIDV và VietinBank, MSB đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ vào ngày 15/4. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thức cấp. Lãi suất cố định 6,6%/năm.

Cũng trong tháng 4, HDBank đã phát hành thành công 2 đợt trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 3 năm, với tổng giá trị là 1.050 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 5,8% – 6,5%/năm trong 2 đợt phát hành. Bên cạnh đó, HĐQT HDBank cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu huy động vốn năm 2020 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng.

... Giải cơn khát vốn

Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là áp lực tăng vốn cấp 2 để có dư địa tăng trưởng tín dụng, đáp ứng chuẩn Basel II và những quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn khiến các nhà băng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn, theo hướng gia tăng vốn trung - dài hạn.

Theo dự thảo Thông tư 36, cơ quan giám sát đưa ra 2 kịch bản đề xuất, trong đó sớm nhất là tháng 7/2021, hệ thống ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn về mức 30%. Tỷ lệ này với cả hai phương án sẽ giữ ở mức 40% tới cuối tháng 6/2020.

Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến huy động vốn ở các ngân hàng. Báo cáo tài chính quý 1/2020 cũng cho thấy, tỷ lệ huy động vốn ở nhiều ngân hàng sụt giảm. Đơn cử như tại MB, tiền gửi giảm 12%, còn 240,7 nghìn tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng vào Saigonbank cũng sụt giảm 0,8% về mức 15.543 tỷ đồng… Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tại VietinBank cũng chỉ tăng trưởng nhẹ 0,33% so với đầu năm, ở mức gần 895,8 nghìn tỷ đồng.

Trong nghị quyết phát hành trái phiếu 2020, VietinBank cho biết, việc phát hành trái phiếu nhằm thỏa mãn được điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 theo quy định của pháp luật. "Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu năm 2020 sẽ được VietinBank sử dụng tăng quy mô hoạt động và cho vay nền kinh tế với các lĩnh vực dự kiến như: sản xuất điện và phân phối điện, khí đốt; ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, khai khoáng…", VietinBank cho hay.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng việc gia tăng nền tảng vốn tự có là điều kiện tiên quyết khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang tới gần. "Việc đẩy mạnh vốn cấp 2, song hành với các chương trình tăng vốn điều lệ là điều cần thiết để đảm bảo "quota" tăng trưởng tín dụng trong tương lai, đồng thời đảm bảo mức độ an toàn của hệ thống", một chuyên gia cho hay.

Chẳng hạn như trường hợp của VietinBank, hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng nếu tính theo Thông tư 36 và các Thông tư sửa đổi bổ sung đang là 9,25%.

Hiện, ngân hàng đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên ngân hàng chưa thể hoàn tất chuẩn mực Basel II. Vì vậy, ngân hàng đang đứng trước thách thức phải nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng các chuẩn mực Basel II tại Thông tư 41.

Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới việc mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn tối thiểu mà còn dẫn đến khả năng khó ứng phó với các rủi ro tài chính bất khả kháng.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục