“Giải cứu” nông sản và câu chuyện “đánh đu” với thị trường Trung Quốc

04/04/2019 14:56 GMT+7
Trung Quốc là một thị trường để xuất khẩu lớn với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng sự thiếu liên kết trong khâu sản xuất và xuất khẩu của nông dân với các doanh nghiệp đã khiến cuộc sống của nông sản gắn liền với 2 từ “giải cứu”.

Khóc cười theo thị trường nước láng giềng.

Năm 2017, Trung Quốc dẫn đầu danh sách các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 39,5% tổng lượng xuất khẩu, với sản lượng 2,29 triệu tấn.  Sang đầu năm 2019, Trung Quốc gần như ngừng thu mua. Điều này đã khiến cho giá gạo Việt Nam không ngừng rớt giá. Các địa phương phải lên tiếng kêu cứu, khởi động lại chính sách thu mua tạm trữ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay Trung Quốc chỉ mua có 9.534 tấn gạo so với 194.845 tấn của cùng kỳ năm 2018. Có lẽ chúng ta đã quá chủ quan và tự tin vào thị trường này nên đã không ngừng mở xuất mà không có sự quy hoạch đồng bộ và hậu quả là người nông dân chỉ biết “khóc ròng” trên đồng lúa.

Nông dân "khóc ròng" vì nông sản mất giá

Ngược lại với lúa gạo, từ đầu năm nay nhiều loại trái cây “hút hàng”, “sốt giá” vì Trung Quốc tăng mua, giá tăng trung bình từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể như thanh long ruột trắng khoảng hơn 20.000 đồng/kg, ruột đỏ 35.000 - 40.000 đồng/kg, chuối 12.000 - 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá mít lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng nông dân không có hàng bán.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: Giá mít Thái vẫn "nóng" liên tục trong thời gian qua. Đây là mức giá rất tốt cho nông dân. Nhờ Trung Quốc tăng mua trở lại nên xuất khẩu rau quả cũng khởi sắc. Tuy nhiên, đến lúc Trung Quốc ngừng thu mua, nông sản lại phải giải cứu”.

Câu chuyện trong nhiều năm qua của thị trường nông sản: Trung Quốc tăng mua, Việt Nam tăng nuôi, tăng trồng. Trung Quốc ngừng mua, nông sản “giải cứu”, gia súc mất giá.

Còn nhớ năm 2016, vào cao điểm sốt giá heo - cũng do Trung Quốc tăng mua, nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai tăng đàn ồ ạt trong sự phập phồng “không biết khi nào họ ngưng”. Nỗi lo của họ thật không sai khi mà sang đầu năm 2017, giá heo xuống thấp kỉ lục: Mỗi kg dao động 28.000 đến 30.000 đồng. Nhiều loại heo nặng hơn 100kg, giá chỉ còn 24.000 đến 25.000 đồng một kg. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn đã gần như bị phá sản.

Bà con nông dân đã quá thuộc lòng với những bài học như vậy trong quá khứ, nhưng dường như những cái lợi trước mắt đã làm họ không lường hết tới hậu quả sau này. Tuy nhiên xét cho cùng, nhiều người sẵn sàng “đánh đu” với thị trường ấy, bởi may ra thì được cả giá lẫn mùa.

Bao giờ nông sản Việt thôi cần “giải cứu”?

Có lẽ chính sự chạy theo thị trường, sản xuất không có quy hoạch và tâm lí “thấy người khác làm được thì mình làm theo” của nông dân đã gần như khiến nông sản bao mùa rớt giá thảm hại. Tiếp theo đó là sự sản xuất manh mún, không tập trung, không liên kết giữa những người sản xuất đã khiến “thân ai người nấy lo” và giá nông sản hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

Thứ hai là sự yếu kém trong công tác quản lí chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất. Nông sản Việt Nam vẫn chưa đủ những điều kiện thiết yếu về chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn hơn như Mĩ, Anh,... nên thị trường Trung Quốc có phần “dễ tính” vẫn luôn là sự lựa chọn số 1 cho người nông dân.

Một điều quan trọng, Việt Nam có ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lại càng hiếm có doanh nghiệp lớn. Trong khi đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của một ngành.

Ví dụ ngành thủy sản phát triển ổn định hơn cả và xâm nhập được vào các thị trường cao cấp chính là nhờ vai trò  của doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Không chỉ thế, cộng đồng doanh nghiệp của ngành này còn xây dựng được một hiệp hội đúng nghĩa và hoạt động hiệu quả. Điều này hoàn toàn khác so với các ngành khác như: lúa gạo, rau quả, chăn nuôi…

Chính vì vậy khâu chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại không thể phát triển ở các thị trường cao cấp, làm ăn bài bản như: Nhật, EU, Mỹ, Hàn Quốc… mà chủ yếu xuất đi Trung Quốc.

Mạnh dạn thay đổi để nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam

Nhìn vào những điểm giải cứu khoai lang Nhật ven đường, vào những đồng thanh long cho bò ăn, vào những ruộng dứa chín đỏ không có người thu hoạch,... đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Đừng để cho nông sản “Như một cô gái đẹp chờ Trung Quốc đến thu mua”, mà hãy chủ động trong thị trường. Sản xuất có quy hoạch, không mở rộng quy mô một cách ồ ạt, chạy đua.

Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với người nông dân, nông dân đảm bảo chất lượng sản xuất, còn doanh nghiệp đảm bảo tiêu thụ. Một mô hình liên kết chặt chẽ sẽ giúp người nông dân yên tâm sản xuất và chú trọng vào chất lượng nông sản.

 

Liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông dân để nâng cao chất lượng sản xuất và đảm bảo thị trường xuất khẩu

Mai Trang
Cùng chuyên mục