Giải mã lý do tiêu thụ thịt lợn giảm, chỉ là nhất thời?

24/03/2022 06:46 GMT+7
Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá lợn trên cả nước liên tục giảm kể từ đầu tháng 3/2022 đến ngày 17/3/2022, sau đó tăng nhẹ trở lại tại một số tỉnh, thành phố. 

Ngày 18/3/2022, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dao động từ 51.000-57.000 đồng/kg tại miền Bắc, từ 52.000-54.000 đồng/kg tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên, từ 51.000-55.000 đồng/kg tại miền Nam.

Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn cũng suy giảm thời gian qua do học sinh tạm thời không học bán trú và ăn trưa tại trường học; các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội tạm dừng, cộng với thu nhập người dân giảm sút do dịch bệnh.

Quy mô ngành chăn nuôi lợn Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á - Ảnh 1.

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và Thương mại tổng hợp.

Những ngày gần đây, giá lợi hơi có nhích tăng ở các vùng trên cả nước, nhưng biên độ dao động không lớn. Cụ thể: Tại miền Bắc, khảo sát giá lợn hơi hôm qua cũng chỉ nhích tăng từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Phú Thọ đang thu mua lợn hơi tương ứng với giá 53.000 đồng/kg và 54.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, thương lái tại Thái Nguyên hiện đang giao dịch tại mức 53.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên, tại các tỉnh như Quảng Ngãi và Khánh Hòa hiện thương lái đang thu mua lợn hơi chung mốc 54.000 đồng/kg sau khi tăng nhẹ một giá. Hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị tiếp tục giao dịch ổn định với giá 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Giá lợn hơi miền Nam tăng 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương. Cụ thể, Vũng Tàu, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre và Sóc Trăng điều chỉnh giá thu mua heo hơi lên khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá.

Việt Nam đang được cho là có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. 

Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP cho ngành nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường. 

Sản phẩm chăn nuôi lợn ngoài đáp ứng thị trường nội địa thì đã có xuất khẩu như: Thịt lợn choai, lợn sữa... 

Mức đầu tư tăng lên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Masan, Dabaco, Tân Long, Trường Hải, Hòa Phát... và các doanh nghiệp nước ngoài như CP, Deheus, Japfacomfeed... đã đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. 

Mới đây nhất, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) đã khánh thành và đưa vào hoạt động trại lợn thịt quy mô 48.000 con tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. 

Trại chăn nuôi có diện tích 40 ha với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng nhằm cung ứng nguồn thịt sạch, an toàn cho thị trường. Với quy mô 24 khu chuồng trại đạt công suất 48.000 lợn thịt, dự án dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường hơn 100.000 con, tương đương hơn 11.000 tấn mỗi năm.

Quy mô ngành chăn nuôi lợn Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á - Ảnh 2.

Nga là một trong những thị trường chính cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Thời điểm này, lĩnh vực chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Thời gian tới giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Trong khi đó, nhiều khả năng Nga sẽ cấm xuất khẩu thịt bò và thịt lợn trong tương lai để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu trong nước. 

Những năm qua, Nga là một trong những thị trường chính cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên những biến động từ thị trường Nga sẽ không có tác động lớn đến thị trường thịt trong nước.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục