Trung Quốc quyết mua thịt lợn để dự trữ, giá thịt lợn sẽ nhảy?
Trung tâm Quản lý Dự trữ Hàng hóa Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ mua 38.000 tấn thịt lợn để dự trữ vào ngày 10/3/2022.
Đây là đợt mua dự trữ lần 2 trong năm 2022, sau đợt dự trữ đầu tiên vào tuần trước, sự kiện này diễn ra khi Chính phủ Trung Quốc tìm cách hỗ trợ giá lợn hơi sau khi giảm mạnh.
Người chăn nuôi trên khắp đất nước Trung Quốc đã và đang chịu thiệt hại lớn do giá thịt lợn giảm và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Các nhà phân tích cho biết, việc thua lỗ kéo dài có thể khiến một số doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, dẫn đến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm.
Đàn lợn của Trung Quốc trước đây đã bị tiêu hủy lớn bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi, khiến giá thịt lợn tăng vọt và đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Sau đó, Trung Quốc đã tái đàn lợn khổng lồ và ổn định sản xuất, đó trở thành một chủ trương lớn của nhà nước Trung Quốc.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này, giá thịt lợn trung bình trên thị trường bán buôn nông sản Trung Quốc ngày 7/3 là 18,21 nhân dân tệ (khoảng 67.000 đồng)/kg, tiếp tục giảm 2,3% so với ngày 4/3.
Đợt thu mua dự trữ đầu tiên vừa được thực hiện vào ngày 28/2. Theo Trung tâm quản lý hàng hóa dự trữ Hoa Thương Trung Quốc, đợt giao dịch đấu thầu mua lưu kho lần 2 sẽ thực hiện với số lượng 38.000 tấn, trong khi đợt thứ nhất là 40.000 tấn.
Trong cuộc họp mới đây với doanh nghiệp chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nhận định, áp lực giảm giá trong hai tháng tới vẫn còn khá lớn, nguyên nhân là do sau Tết Nguyên đán, thịt lợn ở nước này bước vào thời kỳ tiêu thụ chậm, trong khi số lượng lợn nái sinh sản dồi dào, việc giết mổ lợn hơi vẫn tăng theo quán tính, khiến giá thịt lợn liên tục giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn liên tục tăng, khiến tỷ lệ giá giữa thịt lợn và lương thực rơi xuống mức báo động cấp 1.
Thịt lợn chiếm hơn 60% lượng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc, nó được coi là thước đo phúc lợi tài chính và là điểm tựa cho giá các loại thực phẩm khác. Giá thịt lợn là yếu tố quan trọng đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như sinh kế của người dân ở Trung Quốc.
USDA cũng dự báo sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ giảm khi ngành chăn nuôi lợn nước này điều chỉnh theo những thay đổi nhanh chóng của điều kiện thị trường. Những người tham gia thị trường thịt lợn, đã thu được lợi nhuận lớn trong phần lớn năm 2020 với mức giá đặc biệt cao, có thể gặp khó khăn hơn trong tương lai, đặc biệt là khi giá đầu vào vẫn cao. Những yếu tố này có thể sẽ khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm và nhập khẩu tăng vào năm 2022, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng trở lại vào năm 2022, sau khi giảm vào năm 2021. Năm 2022, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 4,8 triệu tấn thịt lợn, tăng gần 6% so với năm 2021. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu sẽ vẫn ở dưới mức kỷ lục xác lập vào năm 2020 khi nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng trầm trọng do dịch bệnh.
USDA dự báo, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 đạt 49,5 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2021. Tồn kho đàn lợn nái đầu năm 2022 dự kiến vượt mức trung bình những năm trước. Năng suất cũng tăng vì những con lợn nái kém chất lượng đã bị tiêu huỷ và điều này được cho là sẽ hỗ trợ sự sẵn có của thị trường lợn hơi, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2022.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu sản xuất 89 triệu tấn thịt vào năm 2025, tăng trung bình 2,8%/năm từ mức 77,5 triệu tấn trong năm 2020. Theo kế hoạch, sản lượng thịt lợn sẽ đạt khoảng 55 triệu tấn, thịt gia cầm đạt 22 triệu tấn, thịt bò đạt 6,8 triệu tấn và thịt cừu đạt 5 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2022 giảm 2% so với năm 2021, xuống còn 104,2 triệu tấn. Nguyên nhân chính là sản xuất suy yếu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại thịt lợn trên toàn cầu dự kiến tăng trưởng 2% trong năm 2022, lên 12,8 triệu tấn, vì nguồn cung tại các thị trường thiếu hụt.
Theo báo cáo quý I/2022 về thịt lợn mới nhất của Rabobank, mặc dù diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhưng hầu hết người tiêu dùng có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với dịch bệnh. Người tiêu dùng đang tích trữ thực phẩm đông lạnh và tiết kiệm hơn. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm sẽ gây ra những hậu quả nặng nề hơn trong năm 2022, thu nhập giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và niềm tin của người tiêu dùng giảm. Lạm phát giá tiêu dùng, chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và vấn đề thiếu lao động sẽ gây thêm áp lực đối với người tiêu dùng. Dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thịt lợn toàn cầu, cả sản xuất và nhu cầu tiêu thụ.