Giải Nhất rồi đóng khung đưa vào viện bảo tàng?

Đinh Hiệp Thứ năm, ngày 10/12/2020 12:59 PM (GMT+7)
Đưa "hoa hậu" ST25 đi thi năm nay rồi lại chỉ giành giải nhì, điều đó có đáng để nhiều người bức xúc? Đi thi là cơ hội tiếp cận bạn hàng mới, nhắc đi nhắc lại thương hiệu gạo của Việt Nam với thế giới, như ông Thủ tướng Thái Lan đã nói, tiếp thị cũng quan trọng như sản xuất.
Bình luận 0

Thông tin gạo ST25 của Việt Nam đem đi thi và đạt giải nhì cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới 2020" thật ngạc nhiên là không làm nhiều người vui, thậm chí còn tỏ ý phẫn nộ. Lý do, năm ngoái ST25 được giải nhất, tại sao năm nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lại cho ST25 đi thi để phải giành giải nhì.

Mấy người phản đối việc đưa ST25 đi thi cho rằng VFA mắc bệnh thành tích, bệnh háo danh. Tôi lại cho rằng ngược lại, những người kiên quyết phản đối không cho ST25 đi thi để nó vẫn giữ danh xưng "giải nhất" mới là mắc bệnh thành tích, bệnh háo danh nặng, đó là kiểu tư duy đi tắt đón đầu, tháu cáy, ăn xổi ở thì, manh mún tiểu nông. 

Đi thi nhiều thì cơ hội tiếp cận bạn hàng, ký hợp đồng mới, xây dựng mạng lưới, đẩy mạnh các mối quan hệ, mở rộng liên minh chiến lược càng lớn. Kể cả năm nay có thi trực tuyến vì dịch Covid-19 thì cũng được, mình yếu về tiếp thị, về kỹ thuật thi cử thì mình phải học hỏi nước khác. Không phải cứ cái gì mình yếu là mình né, ngược lại mình phải đối mặt với nó để cải thiện nó.

Ông Thủ tướng Thái Lan khi chào mừng giống gạo Hom Mali (còn gọi là Thai Jasmine) đạt giải nhất cuộc thi năm nay đã nói: "Chính phủ sẽ hỗ trợ chiến lược phát triển gạo của Thái Lan, đưa Thái Lan trở thành nhà sản xuất và tiếp thị gạo hàng đầu thế giới". Hãy chú ý rằng, ông này nói "sản xuất và tiếp thị", có nghĩa là vai trò của "sản xuất" và "tiếp thị" là ngang nhau. Sản xuất tốt mà tiếp thị dở thì bán hàng yếu là phải thôi. Đó là lý do, nông sản Việt Nam chẳng kém Thái Lan nhưng vẫn bị thua bạn trên trường quốc tế.

Năm nay là lần thứ 6 trong 12 lần tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, gạo Hom Mali được giải nhất, sau các năm 2009, 2010, 2014, 2016, 2017. Nếu người Thái cũng tư duy tháu cáy, manh mún, ăn xổi ở thì, sợ mất danh xưng giải nhất, phẫn nộ khi phải về nhì, họ chắc chắc chẳng giành nhiều giải nhất như thế, và sẽ mất bao nhiêu cơ hội tiếp thị, cải thiện và làm hoàn hảo giống gạo của họ.

Giải Nhất rồi đóng khung đưa vào viện bảo tàng? - Ảnh 2.

Kỹ sư Hồ Quang Cua với sản phẩm gạo ST25. Ảnh: IT.

Cần nói thêm, Diễn đàn về gạo thế giới được tổ chức trực tuyến, nhưng cuộc thi gạo ngon trong khuôn khổ diễn đàn vẫn là thi thật. Các loại gạo được gửi về ban tổ chức, được nấu đúng theo cách các đội thi trình bày, ban giám khảo vẫn bịt mắt để nếm cơm. Nghĩa là việc chấm giải được đảm bảo vô tư.

Mỗi năm là một ban giám khảo khác nhau. Nếu năm ngoái, anh giành giải nhất, người ta có thể cho rằng anh "ăn may", hoặc gạo của anh hợp khẩu vị với một thành phần giám khảo nhất định. Nhưng năm nay, anh đi thi, với một cơ cấu giám khảo khác, anh vẫn giành được giải nhì (chứ có về bét đâu), chứng tỏ gạo của anh ngon thật, ngon một cách ổn định và được sự đồng thuận cao của các chuyên gia, đầu bếp. Vậy là điều đáng tự hào quá đi chứ. 

Đó là lý do các cuộc thi rượu vang, bia, thực phẩm, người ta đem sản phẩm của họ đi thi hết năm này sang năm khác, càng giành nhiều giải càng tốt, nhất nhì ba, cái gì cũng tốt. Sản phẩm tiêu dùng không phải là thứ chỉ để được kiểm chứng một lần để rồi đóng khung đem vào viện bảo tàng trưng bày. Mà sản phẩm tiêu dùng phải được kiểm chứng liên tục, vì nó là thứ động, hoạt động trong một môi trường động là thị trường.

Hơn nữa, năm nay, ngoài ST25, Việt Nam còn gửi 3 loại gạo khác đi thi nhưng đều không có giải, có nghĩa việc ST được nhì cũng rất đáng mừng rồi

Những người phản đối việc ST25 đi thi đã khá khập khiễng khi đưa ra so sánh với việc một cô hoa hậu thế giới đi thi lần hai để rồi chỉ giành danh vị á hậu hay với các vận động viên thể thao. Các cuộc thi hoa hậu có quy tắc của họ, ví dụ cuộc thi hoa hậu thế giới quy định mỗi người chỉ được thi một lần trong đời. Nếu cô hoa hậu nào đó đi thi năm tiếp theo mà được á hậu thì cũng là điều rất tốt, chứng tỏ họ giữ được đỉnh cao vẻ đẹp cả bên ngoài thể hình và bên trong tâm hồn của họ trước sự tàn phá của thời gian. Đó là một điều rất khó, không tin hãy cứ hỏi phụ nữ.

Với các vận động viên thể thao, không bao giờ một nước đào tạo được một người giỏi, cho họ đi thi, giành giải nhất xong, rồi bảo họ hãy giải nghệ đi, vì năm tới anh đi thi không chắc được giải nhất. Một người giỏi phải chứng tỏ năng lực của mình liên tục, trong sự nghiệp anh ta sẽ có lúc lên lúc xuống, khi thành công, lúc thất bại, và học được nhiều thứ qua những thất bại.

Những nhà thể thao như Roger Federer với hơn 20 năm thi đấu đỉnh cao được yêu mến mãi, được nhớ mãi, dẫu rằng không phải bao giờ anh cũng về nhất, nhì, ba. Hay như đội bóng Brazil, có bao giờ bạn bảo với họ rằng, họ đã vô địch World Cup 1958 rồi, các kỳ World Cup tiếp theo đừng có tham dự nữa, để đảm bảo "mình luôn là nhất thế giới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem