Giành lại hàng tỷ USD trên thị trường rau quả và thực phẩm chế biến nội địa – Nông nghiệp Việt sẽ làm được?
Đây là chia sẻ của Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre tại Diễn đàn "Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn" do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cuối tuần qua.
Số liệu của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International ở Anh, trong giai đoạn 2014 - 2018, mức tiêu thụ lương thực thực phẩm của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11,4%/năm. Tuy nhiên, vấn nạn thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh là câu chuyện cố hữu khiến người tiêu dùng Việt ít nhiều mất lòng tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Điều này lý giải một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chấp nhận chi trả giá cao để sử dụng sản phẩm nhập khẩu của các nhà sản xuất và phân phối uy tín.
Số liệu Hải Quan Việt Nam cho thấy, năm 2013 Việt Nam nhập khẩu hàng rau quả và chế phẩm thực phẩm khác gần 850 triệu USD. Gần 10 năm sau, 8 tháng đầu năm 2023, chỉ tiêu này là 2,1 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2023 đạt gần 1,3 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2013. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trên cả nước đang ngày càng trở nên cấp bách. Và việc phát triển chuỗi cung ứng cho nông sản an toàn là cần thiết và là đòi hỏi tất yếu.
Tuy nhiên, chia sẻ tại, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết: Hiện 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.
Theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.
"Chính vì vậy, để hình thành chuỗi cung ứng nhằm giữ chất lượng, nâng cao giá trị ở mỗi công đoạn đều phải có cách tiếp cận và tuân thủ theo những quy định cụ thể. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu", Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) cho biết, đối với mảng thực phẩm, sản phẩm của Sagri Food có quy trình sản xuất khép kín, được công ty kiểm soát từ khâu thức ăn, con giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối. Công ty đang liên kết rất nhiều với các đối tác lớn và cũng có những khó khăn khi liên kết như khó tìm được đơn vị sẵn sàng chia sẻ giá vốn, đảm bảo mức sinh lời ổn định lâu dài.
Tuy nhiên, khó nhất trong khi liên kết là khâu quản lý Nhà nước. Quản lý lỏng lẻo khiến doanh nghiệp bị đội chi phí, không đảm bảo nguồn hàng ổn định, khó phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị khâu quản lý phải chặt, đảm bảo giá cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo được tính an toàn và bền vững của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các chính sách Nhà nước đưa ra phải nhất quán, thống nhất từ trên xuống dưới. Ví dụ TP HCM cấm giết mổ thủ công nhưng các tỉnh lân cận không cấm, các doanh nghiệp mang ra ngoài mổ rồi lại mang lại TP HCM.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: Thứ nhất, để làm chuỗi cung ứng tốt phải có sự nhận diện về mục tiêu. Chúng tôi quan niệm mục tiêu là thị trường, có thị trường mới có doanh nghiệp, có thị trường hữu cơ tự khắc sẽ có doanh nghiệp hữu cơ. Thị trường mới là yếu tố then chốt của chuỗi.
Thứ hai, ông Đức thích khái niệm "thị trường tiêu chuẩn" hơn là khái niệm "thị trường khó tính. Chuỗi cung ứng là nền tảng đi vào tất cả thị trường. Tùy vào thị trường mà chuỗi cung ứng biến đổi theo phù hợp, không nên cứng nhắc về chuỗi cung ứng. Vị trí của nhà nước ngày càng quan trọng. Những địa phương nào nhà nước quan tâm phát triển chuỗi, địa phương đó phát triển khác hẳn.
Người tiêu dùng cũng rất quan trọng, do đó, ông Đức cho rằng cần quan tâm tới con đường đi tới tận người tiêu dùng. Phải xem xét lại thái độ, hướng tới tận người tiêu dùng.
Thị trường nội địa nên chú trọng quan tâm không chỉ xuất khẩu. Bởi nhu cầu thị trường nội địa là rất lớn và nếu không cẩn thận thì sẽ thành nơi tiêu thụ cho hàng nước ngoài.
Về vấn đề xung đột lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Đức cho rằng, nông dân có công cụ của mình để "đối phó" với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng có công cụ "đối phó" của mình. Mâu thuẫn lợi ích rất lớn nên việc xây dựng quan hệ đối tác doanh nghiệp-người dân bền vững là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cho biết, TP. HCM là một thị trường tiêu thụ lớn, từ nhiều năm qua TP. HCM đã rất quan tâm tới chính sách chuỗi cung ứng sản xuất an toàn. Thành phố đã có ý thức triển khai sớm các chuỗi thực phẩm an toàn cũng như các chuỗi giá trị nông sản.
"Chúng ta sẽ phát huy việc hợp tác chặt chẽ, kết nối với các vùng để làm sao hình thành một mạng lưới. Thực phẩm được giao lưu giữa TP. HCM và các tỉnh khác. TP. HCM có nông sản từ các tỉnh khác mang về tiêu thụ, ngược lại cũng có hàng đi ra tỉnh ngoài" – ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, tới đây để phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp an toàn cần một số giải pháp tập trung. Mấu chốt là phải làm sao phát triển được chuỗi cung ứng từ sản xuất tới tiêu thụ an toàn, bền vững. TP. HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ về thông tin, lập các trang web cung cấp thông tin đáp ứng các yêu cầu của các bên, và đồng thời qua thông tin đó cũng dự báo được các nhu cầu của thị trường để phục vụ việc lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ. Thành phố cũng sẽ có các cơ chế hỗ trợ đầu tư. Làm sao có cơ chế thu hút đầu tư từ sơ chế đến sản xuất. Thành phố đang chuẩn bị trình hội đồng chính sách khuyến khích đầu tư, kích cầu đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia, cũng như chính sách hợp tác thương mại. Việc này để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu.