Gỡ “nút thắt” trong xử lý nợ xấu

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 21/07/2017 18:24 PM (GMT+7)
Để giảm tỷ lệ nợ xấu, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cần có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và cơ quan thanh tra giám sát sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng TCTD.
Bình luận 0

img

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cần có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm

Tỷ lệ nợ xấu vẫn trên 10%

Sáng 21.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu và 3 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu TCTD và thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn, nhiều tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và cơ cấu lại.

Nhìn chung được kiểm soát dưới 3%, nhưng tổng thể cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, trên 10% và phải tập trung quyết liệt triển khai thực hiện, xử lý.

Đánh giá về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, ông Hưng cho rằng đây là văn bản pháp lý quan trọng, khi các vướng mắc pháp lý liên quan tới tài sản đảm bảo vướng nhiều năm đã có hướng gỡ.

Ông Hưng cho biết: “Lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước”.

Toàn ngành ngân hàng cùng xử lý nợ xấu

Đối với việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, theo lãnh đạo NHNN, về cơ bản, các quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, VAMC.

img

Sau khi nghị quyết 42 có hiệu lực, các NHTM sẽ được “cởi trói” trong việc xử lý nợ xấu

Song việc triển khai thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng được thuận lợi hơn.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu: “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tập trung hoàn thiện để ban hành các văn bản pháp lý có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.

Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo từng TCTD xây dựng kế hoạch cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu trình NHNN phê duyệt, trong đó có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng TCTD. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối tổng hợp, báo cáo số liệu xử lý nợ xấu, xây dựng Báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội theo yêu cầu tại Nghị quyết…

Vụ Pháp chế có trách nhiệm đầu mối xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết để kịp thời xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đồng thời là đầu mối đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết này.

Với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu hằng năm và định kỳ báo cáo tình hình xử lý nợ xấu. Hằng năm, đánh giá, đề xuất về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách thí điểm tại Nghị quyết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại TCTD”

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn để triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa bàn và thực hiện thanh tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn.

Đối với VAMC, có trách nhiệm tổ chức quán triệt các quy định của Nghị quyết; xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý nợ xấu hằng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường.

“Cởi trói” cho các NHTM

- Đánh giá về nghị quyết 42, đại diện NHTM CP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần có chỉ đạo, NHNN là đầu mối lập ra một ban chỉ đạo liên ngành, phối hợp cùng NHNN tổ chức những cuộc họp thường kỳ 6 tháng/lần để các NHTM báo cáo về tình hình xử lý nợ xấu, từ đó có những hỗ trợ cho các NHTM để tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu.

- Ông Lê Thành Trung – Phó TGĐ HDBank cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cấu trúc ngân hàng là để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền của những “chủ nợ” – các NHTM, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo. Phần lớn nợ xấu hiện nay đều có tài sản đảm bảo, việc xử lý nợ xấu trong nhiều năm qua gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nên tiến triển rất chậm. Chủ yếu khó khăn nằm ở khâu xử lý tài sản đảm bảo thông qua các con đường tố tụng, cưỡng chế, thi hành án, mất rất nhiều thời gian. Nghị quyết 42 này là một bước tiến đáng kể để tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem