Gói cứu trợ khổng lồ của Biden giúp Trung Quốc "bỏ túi" 60 tỷ USD như thế nào?

25/03/2021 12:32 GMT+7
David Ni, CEO một công ty xuất khẩu bánh xe ô tô tại Trung Quốc đang kỳ vọng một năm bội thu khi gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Biden được dự báo sẽ kích thích nhu cầu của nền kinh tế Mỹ.

Doanh nghiệp Jiangsu Siborui Import and Export (trụ sở Nam Kinh) do ông David Ni sáng lập chuyên mua bán xe ô tô hợp kim nhôm cao cấp từ các nhà sản xuất Trung Quốc và bán cho các nhà bán lẻ ở Mỹ. Năm nay, ông Ni dự đoán sẽ kiếm bộn tiền từ thị trường Mỹ khi gói kích thích Covid-19 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden được dự báo sẽ làm tăng nhu cầu mua sắm của người Mỹ.

“Người dân nhận được tiền mặt và họ sẽ mua sắm” - ông Ni dự đoán doanh số xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng hơn 30% trong năm nay. 

Gói cứu trợ khổng lồ của Biden giúp Trung Quốc "bỏ túi" 60 tỷ USD như thế nào? - Ảnh 1.

Gói cứu trợ khổng lồ của Biden giúp ngành xuất khẩu của Trung Quốc "bỏ túi" 60 tỷ USD

Gói kích thích tài khóa của Mỹ từ lâu đã được dự báo sẽ mang lại tác động lan tỏa tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nghiên cứu của Allianz SE cho biết khoảng 360 tỷ USD trong gói kích thích sẽ được chi cho nhập khẩu. Trong đó, ngành xuất khẩu Trung Quốc được kỳ vọng hưởng lợi khoảng 60 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022 khi người Mỹ tăng cường chi tiền cho mua sắm quần áo, thiết bị gia dụng, đồ điện tử như máy tính. 

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa giá hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã bắt đầu tăng lên và căng thẳng Mỹ - Trung có thể càng trở nên tồi tệ hơn khi thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng.

Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD ước tính gói kích thích của Mỹ sẽ giúp tăng GDP Trung Quốc thêm 0,5% trong năm 2022. Còn Bloomberg Economics thì dự báo rằng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ tăng 1% sẽ thúc đẩy đà tăng khoảng 0,08% GDP của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc có thể ghi nhận GDP tăng 9% trong năm nay theo dự báo của UBS, vượt xa mức mục tiêu trên 6% mà chính phủ Bắc Kinh đưa ra. UBS đã nâng dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 lên tới 16%.

Theo nhà kinh tế trưởng Wang Tao từ UBS, việc xuất khẩu tăng trưởng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư để mở rộng công suất, cho phép Trung Quốc duy trì mức đầu tư cao ngay cả khi đầu tư chính phủ vào cơ sở hạ tầng chậm lại. 

Đã có những quan ngại xuất hiện ở Mỹ rằng các gói kích thích kinh tế nghìn tỷ USD và sự phục hồi kinh tế dự kiến trong năm nay có thể dẫn đến lạm phát tăng nhanh.

Nhận định về điều này, ông David Ni chỉ ra rằng các nhà sản xuất bánh xe ở Trung Quốc đang tăng giá bán hàng do chi phí vận chuyển gần mức cao kỷ lục và sự tăng giá kim loại gần đây. “Sản xuất ở Đông Nam Á vẫn chưa phục hồi, do đó các đơn đặt hàng sẽ rơi vào tay các nhà xuất khẩu Trung Quốc… Giá tiêu dùng ở Mỹ không thể tránh khỏi đà tăng."

Mỹ có thể sẽ nỗ lực hạn chế nhập khẩu trong dài hạn nhằm xoa dịu cán cân thương mại thâm hụt với Trung Quốc, một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài nhiều tháng qua. 

Trong một góc nhìn khác, xu hướng tăng xuất khẩu cũng không thực sự hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh. Việc cán cân xuất khẩu quá mạnh sẽ làm chậm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và ít hơn vào sản xuất công nghiệp.

Chính phủ Bắc Kinh từng kỳ vọng thực hiện sự chuyển dịch này trong vài năm. Nhưng việc chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc giảm mạnh vào năm ngoái trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại quá trình chuyển dịch mà Bắc Kinh mong đợi.


NTTD
Cùng chuyên mục