GS Đặng Hùng Võ chỉ ra "khoảng trống" pháp luật khiến cung bất động sản giảm sâu những năm tới

06/01/2021 14:40 GMT+7
GS Đặng Hùng Võ đánh giá, do những hạn chế về pháp luật khiến nguồn cung bất động sản đã giảm 10 lần, hậu quả trong 2-3 năm tới cung bất động sản giảm đi 10 lần.

Chia sẻ tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới", GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, năm 2021 nguồn cung trên thị trường bất động sản tiếp tục khan hiếm. Do những hạn chế về pháp luật khiến nguồn cung bất động sản đã giảm 10 lần, hậu quả trong 2-3 năm tới cung bất động sản giảm đi 10 lần.

"Trong hoàn cảnh ấy, nếu chúng ta không quản lý tốt, đầu cơ sẽ vào, nguy cơ bong bóng rất nhiều. Hiện nay nhiều nhà cung cấp bất động sản đang có hàng nhưng giữ lại để chờ vài ba năm tới", GS Đặng Hùng Võ nêu.

GS Đặng Hùng Võ nêu nguyên nhân nguồn cung bất động sản giảm sâu những năm tới - Ảnh 1.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, trong 2-3 năm tới cung bất động sản giảm đi 10 lần. (ảnh minh hoạ)

Cũng theo vị GS này, riêng Nghị định 148 chưa lấp đầy được khoảng trống pháp luật. Hai khoảng trống lớn nhất là việc phê duyệt các dự án. Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở phải là đất nhà ở nhưng Luật đất đai thì quy định chỉ cần thu hồi xong được giao đất là có thể triển khai dự án.

Bên cạnh đó, khoảng trống thứ hai là các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng loại mới. Theo hướng dẫn Công văn 703 của Bộ Tài nguyên Môi trường việc cấp Giấy chứng nhận loại hình nghỉ dưỡng có thời hạn 50-70 năm. Điều này làm cho các nhà đầu tư rời bỏ bất động sản nghỉ dưỡng bởi tâm lý họ muốn đầu tư vào đất lâu dài.

"Hiện nay bất động sản nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng chủ yếu là bằng nguồn lực của các doanh nghiệp lớn, thiếu sự góp mặt của nhà đầu tư cá nhân", GS. Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Hai khoảng trống này khiến cả phân khúc nhà ở lẫn bất động sản nghỉ dưỡng bị "bó chân". "Chúng ta vẫn nhìn các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới theo mô hình truyền thống, chưa nhìn dưới con mắt của nền kinh tế chia sẻ, một gia đình có thể có nhiều căn nhà. Chúng ta chưa có góc nhìn kinh tế chia sẻ sẽ làm ảnh hưởng đến phân khúc này", vị GS chia sẻ.

Năm 2021 câu chuyện sửa Luật để lấp đầy khoảng trống và tan biến các quy định chồng chéo là câu chuyện quan trọng nhất chúng ta cần làm. Cơ hội rất nhiều nhưng rủi ro pháp luật vẫn luôn hiện diện. Rủi ro từ yếu tố khách quan khó chế ngự những rủi ro ở yếu tố chủ quan có thể điều chỉnh nhưng vẫn bị vướng víu mãi.

Minh Khôi
Cùng chuyên mục