Hà Nội: Khởi công cải tạo chung cư cũ có đúng tiến độ trong quý II/2023?

10/12/2022 09:16 GMT+7
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội dự kiến khởi công trong quý II/2023. Tuy nhiên, đến nay một số hộ dân tại các chung cư cũ vẫn chưa chịu di dời, làm chậm tiến độ cải tạo theo kế hoạch đề ra.

Hà Nội cải tạo chung cư cũ đợt 1 có 10 khu nhà

UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ và để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, UBND thành phố đã ban hành đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội (số lượng nhà chung cư cũ là 1.579 nhà, hiện nay UBND các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục rà soát để cập nhật bổ sung).

Cụ thể, đề án đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, thành phố Hà Nội sẽ ban hành 3 kế hoạch để thực hiện xây dựng, cải tạo chung cư cũ trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể, kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; Kế hoạch lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Hà Nội: Khởi công cải tạo chung cư cũ có đúng tiến độ trong quý II/2023? - Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến khởi công cải tạo chung cư cũ trong quý II/2023 (Ảnh: TN)

Các kế hoạch dự kiến chia 4 đợt cải tạo chung cư cũ, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, cải tạo chung cư cũ 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Bên cạnh đó, đôn đốc 14 dự án cải tạo chung cư cũ đang triển khai; rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D (phát sinh trong quá trình kiểm định) còn lại trên địa bàn; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến trong quý I/2023, dự kiến khởi công trong quý II/2023.

Trước đó, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đề nghị thành phố tổ chức rà soát lại toàn bộ những chung cư cũ cần tiến hành xây dựng lại, chia ra thành các nhóm để từ đó có lộ trình triển khai thực hiện của.

Cải tạo chung cư cũ vẫn khó khăn di dời người dân

Theo kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, thành phố sẽ triển khai xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ 6 khu nhà hiểm cấp D, trong đó quận Ba Đình có 5 khu: Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D).

Quận Đống Đa có nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng suốt thời gian qua, quá trình cải tạo chung cư cũ này "giậm chân tại chỗ". Nguyên nhân chậm thực hiện do hiện nay đang vướng mắc một số hộ dân không chấp hành di dời. Hiện quận đã tổ chức di dời thêm 33/55 hộ dân, còn 22 hộ dân đã nhận phương án hỗ trợ tạm cư nhưng chưa di dời.

Tương tự tại quận Đống Đa, chung cư nguy hiểm cấp D tại 51 Huỳnh Thúc Kháng cần cải tạo, xây dựng mới đợt này. Hiện đã thực hiện di chuyển 3 trên 4 hộ, còn 1 hộ dân đang tổ chức triển khai ban hành quyết định cưỡng chế.

Hà Nội: Khởi công cải tạo chung cư cũ có đúng tiến độ trong quý II/2023? - Ảnh 2.

Việc cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn bởi người dân chậm trễ di dời (Ảnh: TN)

Trước tình trạng cải tạo chung cư cũ ì ạch, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh thành phố để đốc thúc. Bộ Xây dựng đánh giá vẫn còn một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, chậm triển khai, trong đó có việc chưa ban hành hệ số bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường cho các hộ dân.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương bố trí ngân sách và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, làm cơ sở để sớm xác định các nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở đó lập kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cải tạo chung cư cũ theo quy định.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để giải phóng mặt bằng, cải tạo chung cư cũ nhanh, cần có hành lang pháp lý để cho cộng đồng cư dân tự xây dựng.

"Hình thức này thúc đẩy được ý thức, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của chính người dân, người dân sẽ đồng tình ủng hộ. Vừa nhanh lại vừa đáp ứng mục tiêu về cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, việc để cộng đồng cư dân tự xây dựng đang thiếu hành lang pháp lý", ông Nghiêm chia sẻ.

KTS Đào Ngọc Nghiêm còn cho rằng Luật Nhà ở có quy định, cải tạo chung cư cũ có cho phép một số mô hình như: Nhà nước chọn chủ đầu tư, đấu thầu dự án... chưa đề cập tới quy định để cộng đồng cư dân tự xây dựng. Do đó, ông Nghiêm kiến nghị nên bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở, làm cơ sở pháp lý thực hiện, đẩy nhanh hiệu quả triển khai xây dựng chung cư cũ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục