Cải tạo chung cư cũ: Tháo gỡ vướng mắc từ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

30/11/2022 07:55 GMT+7
Mặc dù nhiều nhà chung cư nằm trong nhóm nguy hiểm nhưng việc xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ nhiều tỉnh, thành vẫn gặp khó khăn. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung một số định về cải tạo nhà chung cư cũ để bảo đảm sự đồng bộ và tính pháp lý.

Nhiều chuyên gia nhận định quy định hiện hành thiếu cơ chế chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ dẫn đến khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

Ngoài ra, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân thuộc diện xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ lại chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn do người dân không đồng thuận với phương án mà chủ đầu tư đưa ra.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất luật hóa các quy định về xây dựng lại, cải tạo chung cư để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao trong quá trình thực hiện. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các nội dung của hồ sơ liên quan đến chính sách cải tạo chung cư với các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan như xác định đối tượng nhà chung cư thuộc diện xây dựng lại, cải tạo chung cư xác định bởi mức độ nguy hiểm của nhà chung cư theo pháp luật... để bảo đảm xác định đúng đối tượng nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại và gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Cải tạo chung cư cũ: Tháo gỡ vướng mắc từ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) tháo gỡ vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ (Ảnh: TN)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi tập trung ở các nội dung cơ bản của 8 nhóm chính sách lớn. Trong đó có quy định xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ. Luật sẽ tạo điều kiện cho người dân tại các nhà chung cư bị phá dỡ xây dựng lại được tiếp cận nhà ở xây dựng mới khang trang, bảo đảm nâng cao chất lượng sống. Đặc biệt, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa quy định của pháp luật về nhà ở với pháp luật về xây dựng, quy hoạch và pháp luật có liên quan.

Về xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm, đã có định hướng từ hơn 20 năm qua nhưng kết quả không như mong muốn. Theo thống kê cả nước có gần 2.467 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994), trong số này 25% là nguy hiểm, xuống cấp nhưng đến nay mới chỉ cải tạo được 3%.

"Ngoài 2 mô hình thực hiện cải tạo chung cư cũ (nhà nước, doanh nghiệp) tôi đề nghị nghiên cứu thêm mô hình: Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện. Đây là mô hình đã thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... Việt Nam cũng đã đề xuất trong nhiều hội thảo, nghiên cứu của một số trường đại học", ông Nghiêm đề xuất.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ thúc đẩy việc xây dựng lại, cải tạo chung cư, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bộ mặt nhiều đô thị trên cả nước sẽ có thay đổi lớn, những khu ổ chuột, tập thể cũ sẽ được thay thế bởi những tòa nhà chung cư khang trang, hiện đại; người dân từ đó được hưởng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục