Hà Nội: Thu hồi giấy phép một số doanh nghiệp vận tải
Thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh về tình trạng bùng nổ "xe dù bến cóc" tại nhiều tuyến đường khu vực các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, TP.Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông.
Cũng trong thời gian vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, giám sát hàng loạt các đơn vị không kinh doanh vận tải và đã có quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đối với 6 đơn vị kinh doanh vận tải.
Lý do thu hồi phù hiệu kinh doanh được phía Sở GTVT Hà Nội nêu rõ là do qua rà soát, các đơn vị vận tải nói trên đã không kinh doanh vận tải trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh và một đơn vị đã có văn bản đề nghị trả giấy phép kinh doanh vận tải và ngừng kinh doanh.
Các đơn vị bị thu hồi giấy phép gồm có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cho thuê xe Hà Nội và Công ty Cổ phần Xây dựng, Thương mại và Dịch vụ Hải Anh bị thu hồi loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ vận tải Duy Hải, Công ty Cổ phần B&G Group và Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ hàng không Việt Nam bị thu hồi loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ôtô.
Trong đó, Công ty Cổ phần Trang Anh HD có văn bản đề nghị trả giấy phép kinh doanh vận tải và ngừng kinh doanh.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã yêu cầu 6 đơn vị này phải dừng ngay việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải khách du lịch bằng xe ôtô.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng giao Thanh tra Sở phối hợp với phòng Quản lý vận tải tổ chức kiểm tra, giám sát; phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố xử lý nghiêm nếu đơn vị không chấp hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các địa phương tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, chú trọng kiểm tra đối với phương tiện từ 10 chỗ trở lên; kiểm tra, xử lý nghiêm "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định.
Cùng với đó, các đơn vị trên được giao thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn.
Đặc biệt từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình đối với xe ôtô kinh doanh vận tải để kiểm tra việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định…
Để rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm đồng thời hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ GTVT đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô tại 63 Sở Giao thông Vận tải. Hiện nay, các Đoàn đang triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Trước đó, theo ghi nhận của PV Dân Việt, tuyến đường gần các bến xe ở Thủ đô Hà Nội ngày càng xuất hiện rất nhiều xe khách từ nhỏ đến lớn gắn mác xe hợp đồng, xe du lịch chạy khắp các phố để đón khách, bốc xếp hàng hóa diễn ra một cách công khai vào nhiều khung giờ khác nhau trong ngày.
Nhằm hợp thức hóa cho hoạt động, nhiều nhà xe gắn mác điểm đi/đến của 2 đầu tuyến công khai để che dấu đi những vi phạm. Đáng chú ý, những nhà xe này còn lập các văn phòng ở nhiều tuyến đường tuyến phố làm điểm bán vé, đây cũng là nơi nhà xe đón khách, bốc xếp hàng hóa như xe chạy tuyến cố định.
Khảo sát của Dân Việt cho thấy, khu vực đường Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai và các tuyến đường gần bến xe Nước Ngầm có hàng chục văn phòng của các nhà xe tạo ra khung cảnh chẳng khác nào "những bến xe thu nhỏ" gây nhức nhối dư luận.
Câu hỏi đặt ra: Cơ quan chức năng có biết hay không? Những nhà xe này đang được quản lý ra sao?. Liệu có ai bảo kê cho sai phạm của những nhà xe này?