Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng, cao nhất chỉ 10%

27/09/2020 07:10 GMT+7
Qua giai đoạn trồi sụt, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm hồi đầu năm, tình hình tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu khởi sắc. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%.

Hai tháng đầu năm 2020, tín dụng tăng chậm (cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%), tuy nhiên ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng 3/2020 đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%.

Điểm tích cực là tín dụng dù tăng chậm nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV tăng 3%...

Dự báo những tháng cuối năm, tín dụng có khả năng tăng trưởng tốt hơn bởi được hỗ trợ từ nhiều yếu tố như: Sự hồi phục của doanh nghiệp (DN), quy luật của mùa vụ, cũng như những biện pháp mạnh tay của hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm kéo giảm lãi vay, tạo điều kiện tốt hơn cho DN vay vốn…

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tín dụng sẽ dần có sự cải thiện so với 8 tháng đầu năm. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhận định mức độ cải thiện sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thật sự kết thúc khiến các DN duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, hạn chế mở rộng đầu tư.

SSI Research thì cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 chỉ ở mức 7,5 - 8,5%. Đây cũng là mức tăng trưởng được TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định. Trên quan điểm của ông Hiếu, tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại 2020 dựa vào tăng trưởng kinh tế. Thông thường tăng trưởng tín dụng sẽ là 2,5 lần GDP, nghĩa là nếu trường hợp tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 3% thì tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 7,5% là hợp lý.

Theo ông Hiếu, "hiện tại chúng ta đã đạt mức tăng trưởng tín dụng là 4,81%, thì những tháng còn lại tín dụng mức khoảng 7,5-8% là rất ổn rồi, bởi nền kinh tế của chúng ta hiện nay thật sự rất khó để đẩy quá nhiều tín dụng. Tăng trưởng tín dụng 7,5-8% là mức tăng trưởng đủ để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng từ 2-3%".

Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng, cao nhất chỉ 10% - Ảnh 2.

Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%.

Có phần tích cực hơn trong dự báo của mình, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực cũng nhận định nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn, dự kiến từ 9 đến 10%.

Chứng khoán VnDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt mức 9% và phục hồi lên 13% vào năm 2021.

Dự báo trên của VnDirect dựa trên kịch bản cơ sở là đại dịch Covid-19 sẽ được kiềm chế vào cuối quý III/2020, với kỳ vọng việc sản xuất vắc xin sẽ thành công và nỗ lực trong việc giảm lây nhiễm cộng đồng sẽ giữ cho hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.

Với kịch bản này, VnDirect ước tính tăng trưởng GDP năm 2020 và 2021 đạt lần lượt 3,5% và 7,1%, tương ứng tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ tăng lên mức 116% và 123% (từ 110% năm 2019).

Đơn vị tư vấn này cho rằng hoạt động cho vay sẽ được thúc đẩy bởi tác động của đợt bùng phát Covid-19 thứ hai ít nghiêm trọng hơn đợt đầu tiên. Hơn nữa, vắc-xin đang được thử nghiệm ở các quốc gia khác, nếu thành công, sẽ cho phép các chính phủ tự tin mở lại biên giới, thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh, cải thiện hoạt động thương mại và sản xuất, thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng giảm áp lực về chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay thúc đẩy các doanh nghiệp vay mới phục vụ việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu tín dụng. VnDirect kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng.

Về phía các ngân hàng, nhiều ngân hàng cho biết họ kỳ vọng tín dụng xuất khẩu, bán buôn - bán lẻ, dệt may, xây dựng… sẽ cải thiện trong thời gian tới. Bởi, hiện dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng đã mở cửa giao thương trở lại. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết 15/9/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 187,99 tỷ USD, tăng 3,3% tương ứng tăng 6,01 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục