Hai thủ lĩnh của Nano Life và bước đột phá lớn với “vật liệu của tương lai”
Nhiều điểm chung của hai nhà đồng sáng lập Nano Life
Từng học chung đại học và cùng làm tại Trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D) thuộc Khu công nghệ cao TP HCM. Không chỉ vậy, cả Lê Minh Tuấn và Lê Văn Giắt đều có chung niềm đam mê với công nghệ Nano.
Tâm sự về quá trình làm việc với Giắt, Minh Tuấn chia sẻ, "Chúng tôi có thể tranh luận với nhau hàng giờ về chủ đề này. Nhưng càng tranh luận chúng tôi càng thấy hiểu nhau hơn".
Sau hơn 1 năm làm việc cùng nhau tại R&D, Tuấn và Giắt cùng nhau nghiên cứu công nghệ làm các sản phẩm Nano Curcumin. Sau 5 năm, cả hai chàng trai trẻ cũng đã hoàn thành quy trình công nghệ tạo ra hoạt chất nano curcumin từ nghệ. Tuấn và Giắt đã quyết định thành lập công ty của mình và đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Sau khi có được quy trình sản xuất, hai nhà khoa học thuê mặt bằng tại Quận 7, TP HCM để sản xuất. Họ đặt hàng máy móc, thiết bị để hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất viên nén nano curcumin từ nghệ. Đây là một dạng thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, làm đẹp da, người bị các bệnh về gan…
Sản phẩm viên nén nano curcumin của hai nhà khoa học trẻ cũng đã được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
7 năm nghiên cứu sản xuất "vật liệu của tương lai" từ mỡ động vật tái chế
10 năm trước, ngành Vật lý đón nhận thành công lớn khi Giáo sư Andre Geim và Tiến sĩ Konstantin Novoselov được vinh danh ở Giải Nobel Vật lý 2010. Hai nhà khoa học người Nga đã là những người đầu tiên tách lớp Graphene từ than chì để mở ra hướng nghiên cứu mang tính đột phá về ứng dụng của Graphene vào điện tử.
Đây nhanh chóng được coi là loại "vật liệu của tương lai" cho các thiết bị điện tử, xây dựng. Đặc biệt, khi nhắc tới loại vậy liệu này đặc tính nổi bật của nó là cực nhẹ, mỏng hơn 60.000 lần so với túi bọc thực phẩm và độ bền hơn thép hơn 200 lần.
Tuy đã tìm ra loại "vật liệu của tương lai" nhưng chi phí để làm ra chúng lại không hề rẻ. Chính điều này đã khiến nhiều nhà sản xuất e ngại.
Với đam mê và sự miệt mài, sau 7 năm nghiên cứu, Tuấn và Giắt đã tìm ra phương pháp bóc tách vật liệu graphene từ một nguồn nguyên liệu rất rẻ là mỡ động vật tái chế. Điều này gây ngạc nhiên với nhiều người vì trước đó hai nhà khoa học người Nga đã phương pháp tách lớp Graphene từ than chì khá đắt đỏ, còn mỡ động vật tái chế lại rẻ hơn nhiều.
Là người sáng lập ra Nano Life, Minh Tuấn cho biết, chi phí sản xuất graphene của Nano Life rất rẻ, chỉ khoảng 0,1 USD/gram. Chính đây là điều tạo niềm tin cho Minh Tuấn hy vọng về việc sẽ các doanh nghiệp nhỏ trong nước cũng có thể áp dụng "vật liệu của tương lai" vào sản phẩm của mình.
Cũng theo nhóm Startup Nano Life graphene hiện nay hầu như toàn bộ sản xuất từ than, không thân thiện với môi trường. Tùy loại graphene có giá thành trên thị trường từ 50 USD/gram cho tới 100$/cm2. Minh Tuấn cũng khẳng định, công nghệ sản xuất graphene từ mỡ động vật tái chế có giá thành chỉ bằng khoảng 20%. Đồng thời, việc sử dụng mỡ động vật tài chế cũng góp phần xử lý chất thải hữu cơ, bảo vệ môi trường.
Dù trước mặt còn nhiều khó khăn, nhưng giờ ngẫm lại, mình không hề hối hận khi bỏ việc nhà nước để khởi nghiệp. Có thể nói, vượt ra ranh giới an toàn của bản thân giúp mình trưởng, thành cứng cáp hơn. Và quan trọng hơn hết, sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nghiên cứu đã giúp mình có động lực nhiều hơn và cho mình nhiều trải nghiệm thú vị với lĩnh vực mà mình đam mê
Lê Minh Tuấn - Nhà đồng sáng lập Nano Life
Chia sẻ quá trình tìm ra loại vậy liệu này, Minh Tuấn cho hay: "Graphene gốc là than chì, nguyên liệu cơ bản của nó quá đắt với nhóm nên chúng tôi phải mày mò để tìm ra nguyên liệu thay thế là mỡ động vật. Nói ra thì đơn giản nhưng phải mất cả nhiều năm mới tìm ra được với biết bao hao tổn về tâm trí, sức khỏe lẫn vật chất để tìm ra nguyên liệu thay thế này. Nó vừa tiết kiệm cho nguồn cung cấp của chúng tôi, mặt khác xã hội sẽ đỡ nguồn kinh phí để xử lý, tái chế, vừa giảm phát thải chất độc hại ra môi trường".
Theo Minh Tuấn, Graphene có thể áp dụng vào tất cả ngành nghề sản xuất hiện na như sơn, xi măng để làm tăng độ bền cho nhà, thiết bị điện tử, màn hình điện thoại.
Là một ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, năm 2014, Samsung cũng đã công bố việc ứng dụng thành công vât liệu nhân tạo Graphene giúp các sản phẩm mỏng, nhẹ và nhanh hơn. Với các tính năng vượt trội này, đây sẽ là vậy giúp việc chế tạo ra các thiết bị đeo, uốn dẻo hay nhiều loại thiết bị công nghệ khác.
Starup Nano Life tìm kiếm đồng sự thương mại hóa sản phẩm
Thành công với việc sản xuất "vật liệu tương lai" từ mỡ động vật tái chế, vượt qua 1.500 đối thủ, sản phẩm của Nano Life được đánh giá cao đạt giải thưởng "Dự án Sáng tạo Nhất" Vietnam Startup Wheel 2018.
Đánh giá về sản phẩm của Nano Life, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MoMo, thành viên Ban Giám khảo nhận định: "Đây là sản phẩm rất khó, đòi hỏi công nghệ cao mà ngay cả trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Nếu sản phẩm này có thể thực sự sản xuất ở Việt Nam thì sẽ là bước đột phá rất lớn".
Minh Tuấn cũng cho biết đã mang sản phẩm của Nano Life đi kiểm tra tại một số phòng thí nghiệm trong nước và tại Nhật Bản. Nhóm cũng đang đăng ký sáng chế tại Mỹ và sẽ tập trung phát triển ở thị trường này. Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất, dự kiến có thể sản xuất 1 tấn Graphene mỗi tháng ngay trong năm đầu sản xuất.
Được biết, Nano Life đã nhận được khoản đầu tư tới 50.000 USD từ Quỹ đầu tư ThinkZone, cũng như sự hỗ trợ về không gian làm việc, đào tạo nhân sự từ 2 đơn vị khác.
Nhà đồng sáng lập Nano Life cũng bật mí, hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục về sở hữu trí tuệ trước khi thỏa thuận nhận thêm vốn đầu tư từ các quỹ. Trong đó, một quỹ của Hàn Quốc đang được cân nhắc, phần vì Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường mục tiêu tiêu thụ sản phẩm của Nano Life, bên cạnh Nhật Bản, Mỹ và EU.
Hiện cả hai thủ lĩnh của Nano Life cũng đang tìm kiếm một đồng sự có năng lực kiếm tiền từ thành phẩm họ đã tạo ra. Vì họ hiểu rõ mình là dân nghiên cứu và khả năng thương mại hóa sản phẩm còn non trẻ.