Hạn hán và dịch Covid-19 đẩy giá gạo thế giới vọt tăng

31/03/2020 19:50 GMT+7
Giá gạo quốc tế đang vọt tăng khi tình trạng hạn hán ở các quốc gia xuất khẩu gạo chủ lực như Việt Nam và Thái Lan trở nên nghiêm trọng. Cùng với đó là cơn sốt mua lương thực dự trữ trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19 thắt chặt nguồn cung.
Giá gạo thế giới leo thang khi xuất khẩu gạo Việt Nam, Thái Lan giảm mạnh vì hạn hán - Ảnh 1.

Hình ảnh cánh đồng hạn hán tại tỉnh Tiền Giang

Vào cuối tháng 3, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã lên mức 555 USD/ tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2013 đến nay trong khi giá gạo Việt Nam vượt mức 400 USD/ tấn, mức chưa từng thấy kể từ tháng 12/2018.

Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 2 dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu gạo toàn cầu năm 2020 sẽ đạt khoảng 45,3 triệu tấn, tức giảm 700.000 tấn so với dự báo trước đó hồi tháng 1. Sản lượng sản xuất gạo trên toàn cầu mỗi năm lên tới nửa tỷ tấn, nhưng đa số phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và chỉ có khoảng 1/10 trong số đó được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Việc kim ngạch xuất khẩu ít tương đối khiến giá gạo dễ dao động khi nguồn cung - cầu quốc tế bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan ước tính khoảng 11,1 triệu tấn (23% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu) và Việt Nam là 6,6 triệu tấn (14% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu), theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới chỉ sau Ấn Độ. 

Nhưng năm 2020, cơ quan này ước tính kim ngạch xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ giảm mạnh xuống 7,5 triệu tấn. Không có triển vọng cho thấy kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên bù cho mức giảm của gạo Thái Lan.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh là vấn đề hạn hán. Các khu vực canh tác lúa lớn nhất của Thái Lan đều nằm dọc sông Chao Phraya, còn đồng bằng sông Mê Kông là khu vực canh tác lúa nước lớn bậc nhất Biệt Nam. Lượng mưa ở thượng nguồn của cả hai dòng sông đã giảm khoảng 30% so với mức thông thường kể từ tháng 8/2019, theo tờ Nikkei Asian Review. Hiện tượng hạn hán hiện tại còn nghiêm trọng hơn những gì xảy ra năm 2016, trích lời một chuyên gia hàng đầu viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt con đập ở miền nam thượng nguồn sông Mê Kông và đang có kế hoạch xây tiếp 10 con đập nữa cũng là yếu tố quan trọng tạo nên hạn hán. Nghiên cứu cho thấy các đập này đang khiến tốc độ dòng chảy khu vực hạ lưu sông Mê Kông giảm đáng kể, thậm chí gây ra hiện tượng nước biển chảy ngược dòng, xâm nhập mặn khiến đất đai không thể trồng trọt.

Nếu hiện tượng hạn hán tiếp diễn đến tháng 6, vụ thu hoạch lúa tháng 2 đến tháng 7 hàng năm ở Thái Lan dự kiến sẽ giảm một nửa sản lượng, theo Trung tâm tình báo kinh tế SCB của Ngân hàng Thương mại Thái Lan.

Bên cạnh đó, hiện tượng đô thị hóa tốc độ cao cũng khiến diện tích trồng lúa ngày hàng thu hẹp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tính đến tháng 10/2019, Việt Nam có khoảng 7,47 triệu ha đất trồng trọt, giảm mạnh 1,2% do quá trình đô thị hóa. 

Việc giá gạo tăng cao do nguồn cung gạo từ Thái Lan và Việt Nam thu hẹp đang có nguy cơ kéo theo lạm phát ở các quốc gia nhập khẩu gạo như Trung Quốc, Indonesia hay Nigeria. Cùng với đó, cơn hoảng loạn mua do đại dịch Covid-19 và việc phong tỏa đất nước của nhiều quốc gia cũng đẩy giá gạo tăng mạnh, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng lên cao.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục