Hạn mặn nghiêm trọng, Cà Mau sẽ trình Chính phủ xem xét công bố thiên tai

25/02/2020 10:47 GMT+7
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau đã họp bàn khẩn cấp và sẽ trình Chính phủ xem xét công bố tình trạng thiên tai.
Hạn mặn nghiêm trọng, Cà Mau sẽ trình Chính phủ xem xét công bố thiên tai - Ảnh 1.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Cà Mau đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp

Hạn mặn rất nghiêm trọng

Thông tin trên báo Cà Mau cho hay, chiều 24/2 UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa với các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các các cơ quan ban ngành.

Theo số liệu báo cáo, hiện tình hình hạn hạn, xâm nhập mặn ở Cà Mau đang rất nghiêm trọng. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 19/2/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó phân theo tỷ lệ thiệt hại từ 30 đến 70% có hơn 5.500 ha; thiệt hại trên 70% hơn 12.500 ha; phân theo trà lúa, lúa- tôm thiệt hại hơn 15.900 ha; trà lúa Đông- Xuân hơn 2.100 ha; lúa mùa hơn 100 ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.

Diện tích rừng bị khô hạn đến nay hơn 42.800 ha, trong đó khô hạn báo cháy cấp II là 8.160,4 ha; cấp III là 11.450,6 ha; cấp IV là 11.156,3 ha; cấp V là 12.101,5 ha. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý đã sụp lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời); đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụp lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m.

Trong 2 ngày 18 và 23/2, tại tuyến đê biển Tây, đoạn từ Đá Bạc về Kênh Mới liên tiếp xảy ra sụp lún mặt đường với chiều dài trên 190 m. Mặt đê bị lún sâu từ 1.8 - 2 m.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: "Tỉnh đang cân nhắc, xem xét và nghiên cứu đến vấn đề ban bố tình huống sự cố công trình. Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 4 địa phương công bố tình huống thiên tai. Trước mắt tỉnh Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để chống sụp lở đất. Tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, viện để hỗ trợ tỉnh có giải pháp khắc phục hiệu quả nhất".

Chuyển đổi mô hình: 1 vụ lúa, 1 vụ tôm

Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Chuyên gia cao cấp Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, việc chuyển đổi mô hình sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trên khu vực vùng ngọt là khả thi. Bởi, khi khảo sát các nhà khoa học có dữ liệu để nhận định vùng phân biệt rõ rệt 2 mùa mặn ngọt. 

Cùng quan điểm với GS.TS Tăng Đức Thắng, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng, chuyển đổi mô hình sản xuất vùng ngọt nhằm thích ứng mùa hạn mặn và giữ được các công trình giao thông là cần thiết cho vùng ngọt ở Cà Mau. Tuy nhiên, tỉnh cần xem xét lại các công trình thủy lợi, bởi ở Thới Bình (vùng lúa tôm) như đã báo cáo cũng bị thiệt hại lúa trên đất nuôi tôm.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau khẳng định, theo các quy định hiện hành, tỉnh Cà Mau có thể công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp hạn hán mức độ 2. "Chúng tôi đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình UBND tỉnh xem xét", ông Hoai nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Triều Tiên - chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời - cho biết trước Tết Nguyên đán, xã Khánh Hải bị sụp lún 164 điểm, ảnh hưởng 181 hộ. Khi cống Trùm Thuật gặp sự cố, nước mặn vào thì không còn sụp lún nữa. Hiện tại mực nước kênh thấp hơn mặt lộ hơn 1,5m. Với độ cao này khả năng xâm nhập mặn lên đồng đất không thể xảy ra.

Ông Tiên cho rằng do nước mặn tràn vào đã tạo ra phản áp lớn nhất trong điều kiện có thể, nhưng cũng không tạo nên tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng mùa vụ.

Theo ông Trần Anh Tuấn - phó cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), đặc điểm của vùng ĐBSCL là "dưới kênh trên lộ", khi dưới kênh khô cạn thì bao nhiêu hàng hóa chuyển lên lộ, làm gia tăng áp lực lên các tuyến lộ. "Nếu cho nước mặn vào mà không ảnh hưởng gì đến trồng trọt thì cũng nên tính đến" - ông Tuấn nhận xét và cho rằng việc khắc phục sụp lún là giải pháp cấp bách, không thể chần chừ.

A.Vũ
Cùng chuyên mục