Hàng không gần như "đóng băng" nhưng vẫn có doanh nghiệp báo lãi "khủng"

09/04/2020 17:05 GMT+7
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam trên cả hai phân khúc quốc tế và nội địa liên tục sụt giảm nhanh, mạnh so với cùng kỳ và kế hoạch năm.

Sụt giảm vì dịch Covid-19

Trong 3 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không trên cả nước chỉ đạt 24 triệu khách, giảm 12,4% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, khách quốc tế đạt 7 triệu, giảm 31,6%, khách nội địa đạt 17 triệu khách, giảm 0,7%.

Tại các Cảng hàng không, lượng hành khách thông qua cảng đạt 5,7 triệu, giảm 42% so với tháng 3/2019. Trong số này, khách nội đạt 4,7 triệu khách, giảm 25%, khách quốc tế đạt 1 triệu khách, giảm kỷ lục tới 71%, đây cũng là gì mà ngành hàng không phải đối mặt khi dịch Covid-19 lan rộng.

Hàng không gần như "đóng băng" nhưng vẫn có doanh nghiệp báo lãi "khủng" - Ảnh 1.

Hãng hàng không Bamboo Airways.

Việc sụt giảm nhanh lượng hành khách khiến cho thị trường vận tải hàng không lao đao, nhiều hãng hàng không "loay hoay" tìm cách tháo gỡ trong bối cảnh ngành hàng không gần như "đóng băng" vì chỉ còn duy trì một số đường bay từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng. Đặc biệt, các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietnam Airlines, Vietjet Air đều phải cắt giảm các chặng bay duy trì 1 chuyến trên ngày. 

Trong báo cáo đánh giá của Uỷ ban lý vốn nhà nước, 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến, cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Hiện Vietnam Airlines đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.

Tương tự như hãng hàng không Vietnam Airlines thì nhiều máy bay của các hãng hàng không Bamboo Airways và Vietjet Air cũng đang phải tạm dừng bay "đắp chiếu" tại các Cảng hàng không.

Hàng không gần như "đóng băng" nhưng vẫn có doanh nghiệp báo lãi "khủng" - Ảnh 2.

Vietnam Airlines là hãng bay bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19

Doanh nghiệp Nhà nước báo lãi?

Trong khi đó, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM – Bộ GTVT) cho biết, trong tháng 3/2020, các hãng hàng không tiếp tục cắt giảm thêm các chuyến bay đi/đến các vùng dịch mới trên thế giới, sản lượng điều hành bay dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm, ước tính giảm gần 47% so với kết quả của tháng 3/2019. Đồng nghĩa với tổng thu tiền điều hành bay năm 2020 sẽ giảm tương ứng.

Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu do sụt giảm sản lượng, chỉ tiêu doanh thu của VATM tiếp tục ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán giá dịch vụ điều hành bay.

Hiện, một số hãng hàng không đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay, một số hãng hàng không còn nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán. Năm 2019, VATM đã điều hành bay an toàn 972.081 lần chuyến bay, tăng 11,01% so với năm 2018. Tổng doanh thu đạt 4.262 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 3.384 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh ngành hàng không gần như bị "đóng băng" thì Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vẫn báo lãi với lợi nhuận quý I/2020 ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng năm 2019. Tổng doanh thu của ACV trong quý I/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Theo lãnh đạo ACV, doanh thu tài chính quý I dự kiến là 1.857 tỷ đồng, cả năm 2020 dự kiến 1.442 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ của ACV chỉ còn 33,9 tỷ đồng, giảm 99,6% so với kế hoạch. Số còn đến từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy 31.000 tỷ đồng của ACV. 

Trong đó, khoản thu cổ tức từ các công ty con, liên doanh liên kết năm 2020 đều giảm do ngành nghề dịch vụ của các Công ty chủ yếu cung cấp tiện ích dịch vụ hàng không và với ảnh hưởng chung của thị trường tình hình hoạt động các công ty đều có lợi nhuận giảm hơn 95%.

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục