Hàng loạt bất động sản bị ngân hàng rao bán để thu hồi nợ

27/09/2022 14:28 GMT+7
Thời gian gần đây, hàng loạt bất động sản “khủng” của các chủ đầu tư bị các ngân hàng lớn rao bán để thu hồi nợ, tuy nhiên nhiều dự án “hạ giá” vẫn không bán được.

Bất động sản bị ngân hàng rao bán, nhiều dự án "khủng"

Trong số hàng loạt bất động sản bị ngân hàng rao bán, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất tại số 19 phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã bị ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Thành thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Việt, với giá khởi điểm là 107 tỷ đồng, giá chưa bao gồm các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính. Lô đất ở đô thị có diện tích 160 m2, hình thức sử dụng riêng. Ngoài ra, tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ có diện tích sàn 287.4 m2.

Bên cạnh đó, ngân hàng Agribank cũng đấu giá toàn bộ khoản nợ quy đổi hơn 172 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Xây dựng Thăng Long, gồm ba hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng nói trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án "Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình" gắn liền với thửa đất diện tích 99 ha, với mức giá khởi điểm hơn 172 tỷ đồng.

Tiếp đó, Ngân hàng BIDV cũng ra thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC, doanh nghiệp thành viên của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Cụ thể là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Khu công nghiệp Chơn Thành, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, gồm quyền sử dụng 10.000 m2 đất và nhà máy xi măng Bình Phước. Tổng mức giá khởi điểm 31,5 tỷ đồng.

Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Khu công nghiệp Chơn Thành bị ngân hàng BIDV rao bán để thu hồi nợ vay (Ảnh: ĐH)

Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Khu công nghiệp Chơn Thành bị ngân hàng BIDV rao bán để thu hồi nợ vay (Ảnh: ĐH)

Ngoài ra, BIDV Đống Đa mới đây cũng tổ chức bán đấu giá lô tài sản gồm 6 quyền sử dụng đất tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng giá khởi điểm là gần 12 tỷ đồng.

Trong tháng 9, Ngân hàng VietinBank đã phát đi hơn 40 thông báo bán đấu giá tài sản các khoản nợ, lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ. Điển hình là việc rao bán Khách sạn Galaxy River Hotel tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên với tổng diện tích khu đất 366,4 m2; tổng diện tích sàn xây dựng khách sạn là 4.627.1m2; khách sạn cao 14 tầng. Mức giá khởi điểm là 88,7 tỷ đồng. Khách sạn là TSĐB cho khoản nợ 53,2 tỷ đồng của Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Huy Hùng.

Trước đó, VietinBank cũng rao bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của khách hàng là CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền Marina Hotel để xử lý thu hồi nợ vay. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này bao gồm quyền sử dụng gần 6.000 m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu A - ô số 8, Khu đô thị Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Cùng với đó là toàn bộ bất động sản hình thành thuộc Dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A…

Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia đang bị ngân hàng VietinBank rao bán để thu hồi nợ (Ảnh: Thái Nguyễn)

Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia đang bị ngân hàng VietinBank rao bán để thu hồi nợ (Ảnh: Thái Nguyễn)

Bất động sản bị ngân hàng rao bán giá rẻ vẫn "ế"

Theo các chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng rao bán tài sản là nợ xấu nhiều lần nhưng không thành công, mặc dù đã giảm giá nhiều lần so với dư nợ cho vay là do các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp. Nhiều miếng, mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí lại không thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định bất động sản phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá "mềm". Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà, khi quan niệm của đa số người dân Việt Nam khi mua nhà là tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn "bết bát".

"Việc mua lại nhà ở, bất động sản là tài sản thế chấp khoản vay từ các ngân hàng không đơn giản do đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản đến sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng, nên người mua cũng thận trọng hơn", ông Đính nhận định.

Ngoài ra, việc mua các bất động sản thanh lý có thể đi kèm nhiều rắc rối về pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Chưa kể, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục