Hàng nghìn tấn cam Hà Giang rụng, Sở Nông nghiệp nói gì?

14/02/2020 06:36 GMT+7
Khoảng 1 tuần nay, hàng nghìn tấn cam ở Hà Giang đồng loạt rụng khiến cho nhiều người trồng "khóc dở". Số lượng cam rụng hiện nay đã lên tới 70% và dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Theo Sở NN-PTNT Hà Giang, huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình là 2 địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Trong đó, huyện Bắc Quang là 7.000 tấn và huyện Quang Bình khoảng 1.200 đến 1.300 tấn. Nhiều HTX và các nhà vườn diện tích bị thiệt hại lên đến 70%.

Cam rụng vàng gốc, sở Nông nghiệp nói gì? - Ảnh 1.

Tỉnh Hà Giang bị thiệt hại gần 10.000 tấn cam do thiên tai. Ảnh: Đào Thanh.

Nguyên nhân được đánh giá sơ bộ do thời tiết mưa kéo dài từ ngày 4 tết đến ngày 11/2/2020, đồng thời kèm theo có sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước, qua kiểm tra cho thấy một số quả trên cây bị rạn vỏ gây nấm mốc làm cho quả cam bị thối và rụng.

Xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Xã có 10/10 thôn trồng cam đều bị rụng vàng cả vùng đồi. Trong đó những thôn Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Chúa, Vĩnh Xuân, Vĩnh Tâm là địa phương bị thiệt hại nặng nhất.

Hiện toàn xã có 570 ha cam, trong đó diện tích cam sành được chứng nhận VietGAP là 445,6 ha; diện tích cam cho thu hoạch là 544,94 ha, năng suất đạt 12 tấn/ha; sản lượng đạt 6.539 tấn. Đến nay, xã đã tiêu thụ được 1.200 tấn/6.539 tấn đạt, 18,3%.

Cam rụng vàng gốc, sở Nông nghiệp nói gì? - Ảnh 2.

Nhiều nhà vườn mất tới 70% lượng quả. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình ông Vũ Văn Sỹ, thôn Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Phúc có 3.000 gốc cam 10 năm tuổi và đã cho thu hoạch. Những vụ trước, vườn cam của gia đình ông thường cho thu hoạch khoảng hơn 20 tấn. Vụ năm nay, từ đầu vụ đến nay gia đình ông vẫn chưa thu hoạch. Với tổng số lượng cam rụng ước tính khoảng 70% diện tích, giá trung bình 8.000 đồng/kg, gia đình ông thất thu hơn 100 triệu đồng.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Vũ Văn Sỹ, gia đình ông Mai Thanh Nhạn cùng thôn có 10 ha cam, nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Vụ này dự kiến được thu khoảng 40 tấn cam. Thế nhưng chỉ trong vài ngày, vườn cam bị rụng, dập nát chỉ còn khoảng 1/4 số lượng cam còn lại trên cây.

Cam rụng vàng gốc, sở Nông nghiệp nói gì? - Ảnh 3.

Đường lên các vườn cam phủ vàng bởi cam rụng. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, cho biết, trên địa bàn tỉnh có thực trạng này. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do năm nay thời tiết mưa liên tục kéo dài. Hơn nữa cam giai đoạn này đều đến vụ chín cuối vụ nên cam rụng đồng loạt. Sở đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại và tìm hiểu bản chất sự việc.

Cam rụng vàng gốc, sở Nông nghiệp nói gì? - Ảnh 4.

Nông dân "khóc dở" vì cam

"Cung đang vượt cầu đối với sản phẩm cam của địa phương nên giá bán đang bị ảnh hưởng. Sản phẩm cam của Hà Giang không xuất sang Trung Quốc mà chỉ tiêu thụ trong nội địa. Tuy nhiên, nếu như các cửa khẩu không bị ảnh hưởng bởi dịch cúm virus corona thì các xe container chở hàng qua biên giới, khi quay đầu sẽ tiện chuyến mua cam để đưa vào các tỉnh phía nam tiêu thụ", ông Vinh nói và cho biết, Sở này cũng đã có khuyến cáo bà con không nên thu hoạch cam sau Tết Nguyên đán nhưng do nhiều hộ vẫn muốn được giá nên để lại trên cây và hậu quả là cam rụng" - Ông Vinh chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNN tỉnh Hà Giang đã đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình chỉ đạo các chủ vườn khẩn trương dọn sạch toàn bộ số quả cam bị rụng ra khỏi khu vực vườn và đào hố chôn xử lý bằng vôi và chế phẩm sau đó vùi lấp kín để tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Sau khi dọn sạch vườn yêu cầu các hộ mua vôi bột rắc toàn bộ mặt vườn, đồng thời dùng chế phẩm phun xử lý để tránh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và của cây cam sành trong vụ tới.

Các vườn khi tiêu thụ cần thu hoạch theo hình thức tỉa quả theo cây để tránh gây áp lực về dinh dưỡng khi cây vào chu kì ra hoa, đậu quả dẫn đến hiện tượng rụng quả.

Sở NN&PTNN cũng đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên rà soát, thống kê cụ thể các hộ bị thiệt hại do cam sành bị rụng trong đợt mưa kéo dài vừa qua để đề xuất hỗ trợ khôi phục sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Mai Trang
Cùng chuyên mục