Không phải vỡ nợ, đóng cửa thị trường mới là rủi ro lớn nhất với kinh tế Trung Quốc

30/12/2019 14:53 GMT+7
Rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại không nằm ở gánh nặng nợ quốc gia khổng lồ hay kinh tế giảm tốc, mà nằm ở việc đóng cửa thị trường, một nghiên cứu viên chính phủ mới đây nhận định.
Không phải vỡ nợ, đóng cửa thị trường mới là rủi ro lớn nhất với kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế thuộc Chính phủ cho hay đóng cửa thị trường mới là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc

Căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài hơn một năm qua đã gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tăng trưởng GDP quý III/2019 của Trung Quốc đã giảm xuống mức 6%, thấp nhất kể từ quý II/1992 đến nay. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu kinh tế mới đây nhận định sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc không phải nguy cơ lớn nhất. Rủi ro lớn hơn nằm ở việc đóng cửa thị trường

“Về vấn đề rủi ro cho nền kinh tế, tôi nghĩ rằng không mở cửa thị trường là quan ngại lớn nhất” - trích lời ông Zhao Jinping, chuyên gia kinh tế từ Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho hay. 

Zhao Jinping cho rằng trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu và quan ngại phân cực kinh tế Mỹ - Trung, thì chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đã gây rủi ro lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc. Kể từ khi đàm phán thương mại đổ bể hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc trong đó có gã khổng lồ viễn thông Huawei, đế chế công nghệ giám sát Hikvision và Dahua Technology… vào danh sách đen, cấm làm ăn và nhập khẩu linh kiện từ doanh nghiệp Mỹ.

Trong môi trường đó, các công ty Trung Quốc đang phải gánh trên vai áp lực nặng nề, theo ông Zhang Yuyan, giám đốc Viện Kinh tế & Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Cho phép nhiều công ty nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước cũng có thể giúp cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các tổ chức nước ngoài trên thị trường tài chính trong nước cũng được kỳ vọng sẽ giúp các ngành công nghiệp địa phương bắt kịp những tiêu chuẩn quốc tế. Nỗ lực cải cách và mở cửa cũng giúp thu hút thêm dòng vốn vào thị trường Trung Quốc, ông Zhao Jinping kỳ vọng.

Tăng trưởng GDP quý III/2019 của Trung Quốc là 6%, dù nhiều nhà phân tích tỏ ra ngờ vực về con số này. Nhiều nhà kinh tế cũng dự đoán mức tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 6%, có thể lạc quan hơn nếu căng thẳng thương mại Mỹ Trung giảm nhiệt. 

Trước đó, hôm 13/12, Mỹ tuyên bố hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ giảm thuế từ 15% xuống 7,5% với 120 tỷ USD hàng tiêu dùng bị đánh thuế hồi tháng 9.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thỏa thuận thương mại dự kiến sẽ được ký kết vào đầu tháng 1/2020 tại Washington. Phía Bắc Kinh hồi cuối tuần trước cũng tiết lộ đang giữ liên lạc chặt chẽ với phía Washington để thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tạm chấm dứt thương chiến kéo dài hơn một năm nay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục