Hành trình khởi nghiệp từ... cua lột

25/09/2020 06:53 GMT+7
Xuất sắc giành vị trí quán quân tại cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2019, Dự án “Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững” không chỉ mang lại thu nhập cho bà con nông dân mà còn mở ra một mô hình kinh tế mới thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giải được bài toán xử lý môi trường nước thải.

Đưa công nghệ vào sản xuất

Nuôi trồng thủy sản vốn là kế sinh nhai chính của nhiều hộ gia đình ở khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Tuy nhiên, vài năm gần đây, thị trường tôm, cua biển bão hòa, giá cả lên xuống thất thường, chưa kể thường xuyên bị dịch bệnh. Người nông dân bị thiệt hại nặng nề nhưng không thể từ bỏ nghề. Xuất phát từ thực tế trên, Công ty CP VinaCrab đã đầu tư nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cua lột theo chuỗi liên kết bền vững tại địa phương.

Hành trình khởi nghiệp từ... cua lột - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa đang kiểm tra mô hình ương cua nguyên liệu. Ảnh: Phương Nga


Tận dụng lợi thế đi tiên phong và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sau 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm, hiện, Công ty CP VinaCrab đã làm chủ được công nghệ sản xuất cua lột.

Điểm mới của mô hình này là ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, nuôi cua nguyên liệu theo hướng công nghiệp, trong nhà. Quá trình nuôi không phụ thuộc vào thời tiết nên chủ động được sản lượng, chất lượng sản phẩm; tỷ lệ cua lột cao (65 – 70%), chi phí vận hành thấp, hệ số tăng trọng đạt 1,5 lần. 

Mật độ thả nuôi cua nguyên liệu cao gấp 5 - 8 lần so với cách nuôi truyền thống; thời gian nuôi cua nguyên liệu từ 40 – 45 ngày/vụ, rút ngắn hơn 2/3 so với cách nuôi truyền thống. 

Như vậy, mỗi năm bà con có thể nuôi từ 5 - 6 vụ (gấp 2 - 3 lần cách nuôi truyền thống).CEO Công ty CP VinaCrab Tạ Thị Phượng cho biết, cua lột là sản phẩm thu hoạch được sau quá trình lột xác của cua biển. 

Tuy nhiên, quá trình lột xác của cua chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nên số lượng thu hoạch ngoài tự nhiên rất ít. Do sản phẩm hiếm nên giá bán khá cao, dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/kg. 

Trên thế giới hiện mới chỉ có 2 mô hình nuôi cua lột tại Myanmar và Thái Lan. Tuy nhiên, 2 mô hình này vẫn còn nhiều khuyết điểm, như: Phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, nhiễm kháng sinh, chất lượng cua lột không đồng đều, thời gian nuôi lột dài ( 25 - 30 ngày). Trong khi đó, tỷ lệ lột xác thấp (15 - 30%).

Mang lại dòng sản phẩm khác biệt

Chia sẻ về hướng phát triển mới này, ông Nguyễn Văn Nghĩa – CO-Founder của dự án cho biết, cua lột là một loại hải sản không lạ nhưng có khá nhiều người chưa biết đến. Vì vậy, thị trường của dòng sản phẩm này rất rộng mở. Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, cua lột còn là món ăn ngon với nhiều cách chế biến khác nhau. Trung bình mỗi tháng, Công ty sản xuất ra 3,5 tấn cua lột. Toàn bộ sản phẩm đều được thương lái đến tận nơi thu mua.

Để phát triển bền vững và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, Công ty triển khai dự án theo hình thức liên kết chuỗi. Nông dân ương nuôi cua nguyên liệu, Công ty cam kết bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kỹ thuật nuôi. “Do là mô hình mới nên lúc đầu, một số hộ dân chưa thích nghi chuyển đổi từ cách nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp. Để động viên, khích lệ người dân, thành viên của dự án đã xuống tận cơ sở ăn cùng, làm cùng người dân” – ông Nghĩa nhớ lại.

Sau 2 năm triển khai, hiện mô hình đã chứng minh được hiệu quả thiết thực, cho thu nhập khá, được người dân tích cực hưởng ứng. Không chỉ sản xuất ra một dòng sản phẩm khác biệt cung cấp cho thị trường, dự án còn xây dựng vùng nuôi cua nguyên liệu bền vững, nói không với hóa chất, kháng sinh, các chất tăng trưởng trong chăn nuôi… góp phần xây dựng nên thương hiệu vùng nuôi cua an toàn sinh học.

Được biết, VinaCrab hiện đang trong giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư để mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng, xây dựng nhà máy chế biến đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tháng 2/2019, VinaCrab đã ra mắt Trung tâm nuôi cua biển Phú Yên nhằm hướng dẫn kỹ thuật và chăm sóc cua theo hướng công nghiệp cho người dân. Trung tâm này hoạt động phi lợi nhuận.

Phương Nga
Cùng chuyên mục